Phương pháp luận và vai trò của phương pháp triết học trong nghiên cứu khoa học
Trong lịch sử khoa học, đã có những thời kỳ vấn đề phương pháp và phương pháp luận được đặc biệt chú trọng và có nhu cầu lớn vì khoa học gặp khó khăn, trở ngại không tiến lên được. Ngày nay, người ta quan tâm đến vấn đề phương pháp và phương pháp luận không phải vì khoa học trì trệ mà trái lại khoa học đang phát triển với một tốc độ nhanh chóng.
Đối với người làm triết học nói riêng và những người làm công tác nghiên cứu khoa học nói chung thì việc nghiên cứu vấn đề phương pháp luận là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Nghiên cứu về vấn đề phương pháp luận trước hết chúng ta cần hiểu phương pháp luận là gì? Cấu trúc của phương pháp luận như thế nào? Tại sao triết học nói chung và các nguyên lý nói riêng (nguyên lý thế giới quan) lại đóng được vai trò phương pháp luận?
Chúng ta đều biết rằng, khoa học càng phát triển và nhất là khi khoa học gặp phải những khó khăn (gặp phải những tình huống có vấn đề) thì dù muốn hay không người ta cũng không thể không tìm đến triết học. Lịch sử đã cho thấy, những người sáng lập ra cơ học lượng tử, sáng lập ra những ngành vật lý khác nhau - họ đều là những nhà vật lý học lỗi lạc của thế kỷ 20 - bản thân họ đều là những người ủng hộ hoặc theo một trường phái triết học nào đó. Thực tế là càng nghiên cứu về sau và khi họ có được những phát minh làm cơ sở cho những lý thuyết mới thì quan điểm cũng thay đổi một cách căn bản khi cho rằng: Khoa học tự nhiên không thể thiếu triết học được. Theo ăngghen thì: Các nhà khoa học tự nhiên không thể thiếu triết học. Vấn đề ở chỗ họ muốn được dẫn dắt bởi một thứ triết học đúng đắn hay một thứ triết học hợp thời trang.
Như vậy là cùng với sự phát triển của khoa học (nhất là những tình huống có vấn đề), người ta lại càng phải quan tâm đấn triết học nhiều hơn. Đặc biệt khoảng giữa thế kỷ 19 - khi khoa học chưa có những phát minh mang tính thời đại cũng có nghĩa là lúc đó khoa học tự nhiên gặp khủng hoảng và người ta đã giải thích nó theo những cách khác nhau, cuối cùng là dẫn đến cách giải thích duy tâm về những thành tựu mới đó. Đây chính là lúc triết học thể hiện sâu sắc vai trò định hướng của mình.
Sang thế kỷ 20, khoa học đã bùng nổ trên các lĩnh vực, đặc biệt là sinh học. Dường như tất cả các trường phái đều quan tâm và đều tìm cách giải thích có lợi cho triết học của mình, đặc biệt là tôn giáo. Có thể nói, sự quan tâm đến khía cạnh phương pháp luận là do nhu cầu của thực tiễn, đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra; do bản thân sự phát triển của khoa học, khoa học phải giải quyết những vấn đề khó khăn, những tình huống có vấn đề và liên quan đến cuộc đấu tranh giữa những lập trường triết học khác nhau.
Lịch sử cho thấy, một quan niệm về phương pháp luận được thừa nhận là đúng đắn khi quan niệm đó cho rằng: Phương pháp luận là hệ thống lý luận về phương pháp nghiên cứu, phương pháp nhận thức và cải tạo hiện thực. Tất cả những lý luận và nguyên lý nào có tác dụng hướng dẫn, gợi mở, chỉ đạo đều là những lý luận và nguyên lý có ý nghĩa phương pháp luận. Mọi nguyên lý thế giới quan đều có tác dụng ấy, chúng hợp thành nội dung của phương pháp luận.
Trên thực tế, chúng ta thấy có nhiều loại thế giới quan và triết học là thế giới quan, mọi triết học đều là thế giới quan. Dĩ nhiên, đó có thể là thế giới quan khoa học hoặc không khoa học. Song không phải mọi thế giới quan đều là triết học. Triết học là khoa học về các quy luật chung nhất của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy con người. Bởi vậy, thế giới quan triết học macxit là sự tổng hợp lý luận của những quan điểm chung nhất về tự nhiên, xã hội, về con người và về nhận thức.
Bất cứ một ngành khoa học nào cũng có phương pháp của họ. Điều đó có nghĩa phương pháp luận phải có cấu trúc chung và chúng ta có thể nhìn nhận cấu trúc chỉnh thể ấy từ 3 bộ phận:
- Những nguyên lý thế giới quan: Đây là bộ phận hết sức quan trọng. Tuy nhiên, không phải mọi nguyên lý thế giới quan đều được đưa đồng đều vào phương pháp luận của các khoa học mà chỉ sử dụng những nguyên lý thích hợp để có thể thực hiện được nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, gợi mở tuỳ theo tính chất của từng khoa học hoặc từng nhóm khoa học.
- Lý luận về một hệ thống các phương pháp: Điều này có nghĩa là nói đến lý luận về một hay nhiều phương pháp có thể dùng chung cho nhiều khoa học. Vấn đề ở đây là phải làm rõ nội dung của phương pháp đó là gì? quan hệ giữa các phương pháp? phạm vi, khả năng và nguyên tắc ứng dụng của các phương pháp?
- Lý luận về một phương pháp cụ thể nào đó sẽ được sử dụng ở bộ môn này hay bộ môn khác. Nói cách khác thì đó chính là phương pháp nghiên cứu đặc thù của một môn khoa học (những nguyên lý và lý thuyết của bản thân khoa học đó hay của các khoa học khác có vai trò gợi mở, hướng dẫn, chỉ đạo mà khoa học này cần sử dụng hoặc có thể sử dụng).
Với một cơ cấu như vậy, phương pháp luận của các khoa học cụ thể sẽ bao gồm được cả cái chung và cả cái riêng, bao gồm được các nguyên lý và phương pháp phổ biến cũng như các nguyên lý và phương pháp của từng ngành khoa học hay của một nhóm khoa học; sẽ tránh được xu hướng tuyệt đối hoá một mặt nào đấy; sẽ tránh được quan điểm thực chứng muốn loại trừ triết học ra khỏi phương pháp luận của khoa học cụ thể.
Có thể nói, trong chỉnh thể phương pháp luận, phần chung nhất chúng ta thấy được là những nguyên lý thế giới quan. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao nguyên lý thế giới quan lại quan trọng như thế? Tại sao thế giới quan lại đóng được vai trò phương pháp luận? Trên thực tế, chúng ta cần khẳng định rằng: Trong những nguyên lý thế giới quan đã tổng kết, đúc kết sự hiểu biết chính xác, khoa học và đầy đủ về một đối tượng, về một sự vật, về một quá trình trong phạm vi cho đến thời điểm đó.
Sự hiểu biết của con người không phải là sự bất động, bất biến và chúng ta phải thừa nhận rằng các nguyên lý thế giới quan phản ánh những gì bản chất nhất, là những cái không thể thiếu được nhưng tất nhiên nó chưa phải là đầy đủ nhất. Và đây cũng chính là chỗ khác nhau cơ bản giữa quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng với các quan điểm tuyệt đối hoá một tri thức nào đó. Thực tế là nhận thức của chúng ta không bao giờ có giới hạn, không đi tới cái giới hạn cuối cùng mà chỉ là dần tới cái giới hạn, cái tuyệt đối mà thôi.
Tóm lại, mọi nguyên lý thế giới quan sở dĩ đóng được vai trò phương pháp luận là nhờ trong những nguyên lý đó đã tổng kết, đã đúc kết lại những gì đúng nhất, chính xác nhất, khoa học nhất về các sự vật, đối tượng, quá trình diễn ra trong thế giới xung quanh ta. Chúng ta có thể dẫn ra đây những nguyên lý thể giới quan đã cho thấy được vai trò phương pháp luận của nó:
- Trong tác phẩm "Chống Đuyrinh", ăngghen đã khẳng định: Thế giới thống nhất ở tính vật chất của nó chứ không phải ở sự tồn tại của nó. Đây là một nguyên lý thế giới quan đóng vai trò định hướng, gợi mở trong khoa học bởi lẽ khi khẳng định thế giới thống nhất ở tính vật chất của nó, điều đó có nghĩa đã định hướng, gợi mở cho người ta phải đi tìm các dạng vật chất khác nhau, đi tìm sự biểu hiện đa dạng của vật chất (từ vật chất vô cơ, vật chất hữu cơ đến các bậc tổ chức từ thấp đến cao của vật chất...).
- Nguyên lý: Điện tử cũng vô cùng tận như nguyên tử, tự nhiên là vô tận... (Theo Lê Nin). Trước đó ăngghen cũng đã từng khẳng định: Không thể coi nguyên tử là phần tử vật chất nhỏ nhất... Nguyên lý này đã gợi mở cho các ngành khoa học phát triển, đặc biệt là vật lý học và sinh học. Đó là một nguyên lý thế giới quan đúng đắn. Nó vĩ đại ở chỗ nhờ đó mà người ta phát hiện ra rằng: thế giới không chỉ vô tận về phía vĩ mô mà còn vô tận về phía vi mô và siêu vi mô.
Trên đây là một vài ví dụ được dẫn ra để minh chứng một điều rằng: những nguyên lý thế giới quan hoàn toàn có thể đống vai trò phương pháp luận. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về phương pháp luận chúng ta cũng nên lưu ý một số điểm sau:
- Triết học không phải là khoa học của mọi khoa học như cách hiểu của chúng ta trước đây và chúng ta cũng không nên tuyệt đối hoá vai trò của triết học. Các loại triết học khác nhau đều có thể đóng được vai trò phương pháp luận. Chỉ có điều, phương pháp luận đó đúng hay sai, dẫn người ta đi đến phát minh hay bế tắc. Hay nói một cách khác, mọi nguyên lý triết học dù khoa học hay không khoa học đều có tác dụng định hướng, gợi mở; chỉ có điều nó định hướng đúng hay sai, chỉ cho người ta đi đúng hoặc đi sai đường. Điều đó có nghĩa việc chúng ta xác định đúng vai trò của triết học trong điều kiện thế giới đương đại, trong điều kiện phát triển khoa học kỹ thuật như hiện nay là một việc làm hết sức cần thiết.
- Khi nói tới phương pháp luận, chúng ta không thể đồng nhất chủ nghĩa duy vật biện chứng với phương pháp luận của khoa học tự nhiên và chủ nghĩa duy vật lịch sử với phương pháp luận của khoa học xã hội. Chúng ta phải nhớ rằng triết học macxit là một khối thép duy nhất đúc thành..., không nên quá đối lập cái duy vật với cái lịch sử. Mac và Ăngghen đã làm nên một cuộc cách mạng trong triết học - đó là biến chủ nghĩa duy vật thành chủ nghĩa duy vật biện chứng, biến phép biện chứng thành phép biện chứng duy vật... và chúng ta phải hiểu nó trong tính chỉnh thể vốn có.
- Theo quan niệm chung hiện nay về phương pháp luận thì có: Phương pháp luận riêng chỉ áp dụng cho một môn khoa học nhất định; phương pháp luận chung áp dụng cho một số bộ môn khoa học; phương pháp luận chung nhất áp dụng được cho tất cả các bộ môn khoa học. Phương pháp luận chung nhất, phổ biến nhất đó là triết học duy vật biện chứng. Sở dĩ triết học macxit đóng vai trò là phương pháp luận chung nhất là do các nguyên lý thế giới quan chính là sự đúc kết, tổng kết những gì là cơ bản nhất, sâu sắc nhất, khoa học nhất về tự nhiên, xã hội và tư duy.
Trong trình độ phương pháp luận, có phương pháp luận chung và phương pháp luận riêng nhưng không thể thiếu được nguyên lý chung nhất là nguyên lý thế giới quan. Điều đó cũng có nghĩa chúng ta phải xác định đúng vị thế, vị trí, vai trò của triết học để tránh quay trở lại triết học tự nhiên.
Nói tóm lại, phương pháp luận là hệ thống lý luận về phương pháp nghiên cứu, phương pháp nhận thức và cải tạo hiện thực; là hệ thống chặt chẽ các quan điểm, nguyên lý chỉ đạo việc tìm kiếm, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp. Tất cả những nguyên lý nào có tác dụng gợi mở, định hướng, chỉ đạo đều là những lý luận và nguyên lý có ý nghĩa phương pháp luận. Mặc dù vậy, triết học macxit với tư cách là phương pháp luận chung nhất và phổ biến không thể thay thế phương pháp luận của các khoa học cụ thể...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn