Quy trình phát hành tập san nội bộ trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

Thứ ba - 06/11/2012 07:45

Quy trình phát hành tập san nội bộ trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

Trong những năm qua, Tập san Nội bộ đã và đang trở thành nơi trao đổi thông tin khoa học, kinh nghiệm giảng dạy, sáng kiến cải tiến cũng như góp phần thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của mỗi giảng viên, nhân viên trong Nhà trường. Tập san Nội bộ chính là một phần không thể thiếu trong quá trình làm công tác nghiên cứu khoa học.
Đó không những là thành quả nghiên cứu của các tác giả mà còn góp phần thúc đẩy, nâng cao vị thế của NCKH trong công cuộc giáo dục hiện nay. Trong quá trình biên tập Tập san Nội bộ, Ban biên tập đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và phản hồi từ các tác giả bài báo cũng như bạn đọc về quy trình cũng như về quy định, cách thức phát hành tập san. Để Tập san Nội bộ ngày càng được nâng cao về hình thức và chất lượng, Ban biên tập xin giới thiệu sơ lược về quy trình, quy định phát hành Tập san để bạn đọc tham khảo và làm cơ sở viết bài.
2. Quy trình, quy định phát hành Tập san
Tập san Nội bộ trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh được phát hành 1 số/1 quý, gồm 56 trang (cả bìa) và ra mắt bạn đọc vào tháng cuối cùng của quý đó. Tính theo năm học thì Tập san được chia thành 4 số, là các số được phát hành vào tháng 9, 12, 3, 6. Sau mỗi số được phát hành đến từng đơn vị, từng khoa và lớp học thì Ban biên tập tiếp tục ra thông báo phát hành số tiếp theo. Thông báo phát hành Tập san được gửi tới từng bộ môn, khoa (bộ môn trực thuộc khoa) và các đơn vị trong toàn trường. Mỗi số Tập san được phát hành sẽ có chủ đề của số đó và ưu tiên các bài báo chuyên ngành của các tác giả viết bài. Khi tác giả gửi bài (gửi qua phòng và qua email), Ban biên tập sẽ lựa chọn bài báo với nội dung và hình thức đạt yêu cầu sau đó gửi đọc phản biện. Bài báo nếu chưa đạt yêu cầu về hình thức sẽ được thông báo đến tác giả để chỉnh sửa cho phù hợp sau đó tiếp tục gửi phản biện. Sau quá trình đọc phản biện, bài báo nào được đăng tiếp tục được biên tập lại và vào khuôn báo, bài báo nào không được đăng sẽ được thông báo đến tác giả. Sau khi có đủ số lượng bài báo cũng như duyệt chất lượng bài, Ban biên tập sẽ hoàn thành khuôn báo và gửi in. Mỗi cá nhân có bài báo được đăng trên Tập san sẽ được nhận nhuận bút và 01 cuốn Tập san của số báo đó. Nhuận bút Tập san được quy định 60.000đ/1 trang, nhuận bút phản biện là 14.000đ/1 trang sẽ được phát trực tiếp cho tác giả và tác giả phản biện. Tập san được phát hành đến từng đơn vị, cá nhân có bài viết và các lớp trong trường theo số lượng quy định.
Quy định gửi bài: Bài báo được quy định dài từ 2 đến 4 trang đánh máy trên file word 2003 (khổ giấy A4, font Times New Roman, cỡ chữ 12, cách dòng single, lề trên, lề dưới, lề phải bằng 2cm, lề trái bằng 3cm); Mật độ chữ trong bài báo bình thường, không nén chữ hoặc kéo giãn khoảng cách giữa các chữ. Bài báo khoa học phải có đầy đủ các phần tóm tắt, các mục đề, tài liệu tham khảo, nguồn trích dẫn,…; Bài báo không được đăng sẽ không gửi trả lại tác giả; Bài báo đã đăng trên các tạp chí khác sẽ không được đăng trên Tập san.                                         
Hình ảnh minh họa và đồ thị trong bài báo phải rõ nét, chú thích bằng tiếng Việt, được in nghiêng, đậm, cỡ chữ 11 và được group cùng hình minh họa.

Mẫu quy định gửi bài báo:
1- Tên bài báo (cỡ chữ 14, in hoa, in đậm, căn giữa);
2- Tên tác giả và đơn vị (cỡ chữ 12, in thường, đậm, căn lề trái);
Ví dụ: Tên bài báo và tác giả:
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP QUẢNG NINH THI ĐUA
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG
TS. Nguyễn Đức Tính - Hiệu trưởng
3- Phần tóm tắt: Cỡ chữ 12, in nghiêng;
4- Phần nội dung bài báo: Bao gồm:       
- Phần 1: Đặt vấn đề
- Phần 2: Nội dung vấn đề
- Phần 3: Kết luận vấn đề (ứng dụng của vấn đề)
Lưu ý: Trong phần Nội dung vấn đề có thể chia nhỏ thành nhiều mục, phần khác nhau để phù hợp nội dung của bài báo. Các đề mục được đánh bằng chữ số thường, được in đậm và không viết hoa đề mục. Với các phần, mục nhỏ hơn có thể in đậm và in nghiêng.
Ví dụ: 1. Phương pháp lấy mẫu
            1.1. Các phương pháp phân tích
            a. Nội dung
            b. Kết quả
            1.2. Các ứng dụng phân tích
5- Phần Tài liệu tham khảo: Được liệt kê theo thứ tự tài liệu tiếng Việt trước, tiếng nước ngoài sau. Thứ tự tài liệu tham khảo cho vào dấu […]:
- Nếu là sách tham khảo theo trình tự sau: Tên tác giả, Tên sách, nhà xuất bản, năm xuất bản.
Ví dụ: [1]. Nguyễn Đắc Hưng, Nhân tài trong chiến lược phát triển quốc gia, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000.
- Nếu là bài báo theo trình tự sau: Tên tác giả, Tên bài báo, Tên tạp chí, số, trang, năm.
Ví dụ: [1]. PGS. TS Nguyễn Anh Nghĩa, Nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng điện năng, Tạp chí Khoa học công nghệ mỏ, số 20, trang 30, 2000.
- Nếu là tài liệu trên Internet: Tên tác giả, Tên tài liệu, Địa chỉ Website, đường dẫn tới nội dung trích dẫn, thời gian trích dẫn (thời gian công bố).
Ví dụ: [1]. Mai Loan, Phát triển nhiên liệu sinh học không tổn hại nông nghiệp VN. http://vietnamnet.vn/khoahoc, trích dẫn 15/10/2008.
3. Kết luận
Với mong muốn Tập san Nội bộ ngày càng được nâng cao về chất lượng nội dung cũng như hình thức, Ban biên tập rất mong nhận được những ý kiến đóng góp hữu ích của các tác giả, bạn đọc để Tập san ngày càng hoàn thiện và tích cực gửi bài báo khoa học để Tập san Nội bộ luôn là nơi trao đổi thông tin khoa học hữu ích, sáng kiến cải tiến cũng như kinh nghiệm giảng dạy của toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học sinh - sinh viên trong toàn trường./

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn