Công tác tổ chức cán bộ đáp ứng yêu cầu mới
Để làm tốt công tác quản lý cán bộ, theo Quyết định số 49-QĐ/TW của Bộ Chính trị thì đồng thời phải thực hiện 8 nội dung sau:
1.Tuyển chọn, bố trí, phân công công tác đối với cán bộ;
2.Tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng và phân công, phân cấp quản lý cán bộ;
3.Quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ;
4.Nhận xét, đánh giá cán bộ;
5.Bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ;
6.Khen thưởng, kỷ luật cán bộ;
7.Thực hiện chế độ, chính sách cán bộ;
8.Kiểm tra công tác cán bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo về cán bộ.
Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số nội dung chính về công tác tổ chức và quản lý cán bộ trong trường và đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trước hết, chúng ta khẳng định lại quan điểm chung: công tác cán bộ là công tác của Đảng. Đảng ta luôn xác định công tác quản lý cán bộ phải tuân thủ theo 2 nguyên tắc sau:
- Một là: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị.
- Hai là: Đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định đi đôi với thực hiện đầy đủ trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý cán bộ.
Với nguyên tắc trên, Đảng uỷ Nhà trường nhận thức được sâu sắc trách nhiệm quan trọng của mình và trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác quản lý và xây dựng cán bộ. Để xây dựng được đội ngũ cán bộ vững mạnh cả về chất lượng và số lượng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển Nhà trường trong giai đoạn mới, tác giả xin được đề xuất một số giải pháp chính cần thực hiện như sau:
1. Tổ chức đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ hiện nay
Đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ, đặc biệt công tác đánh giá cán bộ là một vấn đề hệ trọng, rất nhạy cảm và phức tạp. Đây là khâu mở đầu có ý nghĩa rất quyết định trong công tác cán bộ, là cơ sở để tiến hành việc bố trí, sử dụng và thực hiện các chính sách cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ sẽ phát huy được tiềm năng của từng người và của cả đội ngũ cán bộ. Đánh giá không đúng bản chất của cán bộ sẽ dẫn đến việc bố trí, sử dụng sai cán bộ, sẽ hỏng người, hỏng việc, ảnh hưởng đến cả sự nghiệp phát triển của Nhà trường. Song, đánh giá cán bộ lại là một việc cực kỳ khó và là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ của trường ta hiện nay. Đánh giá cán bộ thường còn nặng về cảm tính, thiếu tính khách quan, công tâm hoặc theo mục đích đã định sẵn (như đánh giá cán bộ để đề nghị bổ nhiệm thì nhấn mạnh, nêu nhiều về ưu điểm, khuyết điểm thường không nhắc đến hoặc nêu rất ít, thường chỉ nêu những biểu hiện bề ngoài, như ‘‘còn nóng nảy’’, ‘‘còn nể nang’’vv... và ngược lại) dẫn đến việc đánh giá chưa chính xác. Vì vậy công tác đánh giá cán bộ cần được cải tiến sao cho sát thực theo từng tiêu chí, từng nội dung cụ thể.
2.Tổ chức sắp xếp lại, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ trong trường
Rà soát lại chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, căn cứ vào yêu cầu cụ thể và khả năng của từng cán bộ để sắp xếp bố trí, bổ nhiệm có thời hạn (thường là 5 năm một nhiệm kỳ) cán bộ sao cho phù hợp với năng lực nhằm phát huy tốt nhất sở trường của từng người. Một số vị trí công tác nhạy cảm như Tổ chức, Tài chính, Tuyển sinh,… cần phải được luân chuyển cán bộ thường xuyên theo nhiệm kỳ, không bố trí liên tiếp 2 nhiệm kỳ cho một cán bộ đảm nhiệm.
3.Xây dựng quy hoạch cán bộ
Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, đảm bảo cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ nhằm giải quyết đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Để xây dựng công tác quy hoạch cán bộ được tốt cần phải căn cứ vào các yếu tố: nhiệm vụ đào tạo bậc đại học của trường, hệ thống tổ chức hiện có, quy hoạch phát triển Nhà trường trong những năm tới, tiêu chuẩn cán bộ của trường đại học (trong tiêu chuẩn cán bộ cần coi trọng cả đức và tài, đức là gốc) và thực trạng đội ngũ cán bộ hiện nay. Trong công tác quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nguồn cần phải chi tiết cụ thể cho từng quý, từng năm.
4.Tăng cường công tác quản lý và giáo dục cán bộ nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ vững mạnh về chất lượng mà trước hết là vững mạnh về tư tưởng chính trị.
Đảng uỷ thống nhất lãnh đạo công tác giáo dục cán bộ. Tất cả các chủ trương, chính sách, tiêu chuẩn, quy chế, quy định về công tác cán bộ đều do Đảng đề ra và mọi cán bộ, đảng viên đều phải được học tập thấm nhuần để gương mẫu chấp hành triệt để. Đảng trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các đơn vị trong trường.
Công tác quản lý cán bộ phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số. Cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm túc các nghị quyết, quyết định của cấp uỷ, tổ chức đảng; tổ chức cấp dưới phải chấp hành quyết định của tổ chức cấp trên.
5.Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, phát hiện nhân tài, đào tạo và bồi dưỡng để bổ nhiệm nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ về số lượng.
Công tác tuyển dụng cán bộ, công chức là một việc làm thường xuyên nhằm không ngừng bổ sung đội ngũ cán bộ của Trường. Tuyển dụng đòi hỏi phải theo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ; tuyển đúng đối tượng, chọn được người có tài có đức, đảm bảo quy chế tuyển dụng đã ban hành. Xây dựng chính sách ưu tiên trong công tác tuyển dụng nhằm thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là đội ngũ có trình độ tiến sỹ. Có chế độ khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ đi thi nghiên cứu sinh và đang làm nghiên cứu sinh.
Trong thời gian tới, nếu Nhà trường tổ chức thực hiện tích cực các giải pháp trên thì chắc chắn đội ngũ cán bộ của Trường sẽ không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của một trường đại học./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn