Nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học trong đào tạo học chế – tín chỉ

Thứ hai - 05/11/2012 11:30

Nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học trong đào tạo học chế – tín chỉ

Hiện nay các trường đại học và cao đẳng đang chuyển dần từ hình thức đào tạo học phần sang đào tạo dưới hình thức tín chỉ. Một trong những yêu cầu bắt buộc và quan trọng nhất khi chuyển hình thức đào tạo này là phải đổi mới phương pháp dạy học.
 

1. Thực trạng dạy học hiện nay

Thực trạng dạy học hiện nay của chúng ta là giáo viên quan tâm nhiều đến việc trình bày bài giải của mình về kiến thức cần dạy cho HS-SV sao cho đảm bảo nội dung chính xác, sâu sắc, đầy đủ. Nghĩa là theo kiểu dạy này giáo viên chỉ quan tâm đến nội dung kiến thức mà chưa xác định được cụ thể HS-SV đạt được những khả năng đó, dẫn đến hạn chế chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy học.

Trong quá trình dạy học của mình người giáo viên chưa chú ý việc hướng dẫn, yêu cầu, kiểm tra việc tự học của HS-SV.
Khắc phục nhược điểm trên cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học mà trung tâm chú ý là những khả năng, hành vi mà người học cần thể hiện ra được sau khi học xong một nội dung. Những khả năng này được xem là kết quả mà sự dạy, sự tự học mang lại cho người học, chúng được gọi là những mục tiêu thao tác. Tuy nhiên kiểu dạy này chưa khích lệ được hoạt động tự chủ tìm tòi sáng tạo giải quyết vấn đề của học sinh sinh viên trong quá trình chiếm lĩnh tri thức.
2. Phương hướng đổi mới dạy học hiện nay
Nhằm mục tiêu phát triển tiềm năng sáng tạo, bồi dưỡng tư duy khoa học, phát triển hành động tự chủ tìm tòi giải quyết vấn đề của HS-SV trong qúa trình chiếm lĩnh tri thức thì trong dạy học cần phải có:
- Cần thực hiện được chức năng mới của người giáo viên không phải là người có quyền lực quyết đoán, truyền giảng, áp đặt tri thức mà tốt hơn phải là người chỉ đạo hoạt động, nhà tư vấn học tập của HS-SV, với chức năng quan trọng là tổ chức tình huống học tập, kiểm tra định hướng hoạt động học và thể chế hoá tri thức.
- Cần biết khêu gợi để cho HS-SV suy nghĩ từ vốn kinh nghiệm hiểu biết của mình đưa ra ý kiến, giải pháp của mình đồng thời biết thu thập và sử dụng thông tin từ nhiều nguồn tin khác nhau và biết tự kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận của nhận thức khoa học để xây dựng được những kết luận đáng tin cậy.
- Cần tập cho HS-SV có thói quen tự học, khả năng tự học cao. Biết đặt câu hỏi trong quá trình học tập, cần khởi xướng được sự trao đổi, tranh luận trong lớp, ở đó các em học được cách tham khảo, tranh luận ý kiến của người khác, biểu đạt tư tưởng của mình, đào sâu chỉnh lý, hoàn thiện những suy nghĩ của mình.
Trên cơ sở những yêu cầu của việc dạy học đòi hỏi đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy học hợp tác, dạy học tích cực như sau:
- Giáo viên đóng vai trò là người cố vấn học tập, là người tổ chức tình huống dạy học (Giao nhiệm vụ cho HS-SV). HS-SV là người hăng hái nhận nhiệm vụ, gặp khó khăn nảy sinh vấn đề cần tìm tòi giải quyết. Dưới sự chỉ đạo của giáo viên vấn đề được diễn đạt chính xác hoá phù hợp với mục tiêu dạy học các nội dung cụ thể xác định.
- HS-SV tự chủ tìm tòi giải quyết vấn đề đặt ra với sự theo dõi định hướng, giúp đỡ của giáo viên hoạt động hoặc của HS-SV diễn ra theo một tiến trình hợp lý, phù hợp với những đòi hỏi của mục tiêu đào tạo.
- Giáo viên chỉ đạo sự trao đổi tranh luận của HS-SV bổ sung, tổng kết, khái quát hoá, thể chế hoá tri thức, kiểm tra kết quả phù hợp với mục tiêu dạy học các nội dung cụ thể đã xác định.
- Giáo viên hướng dẫn, yêu cầu, kiểm tra hoạt động tự học của học sinh sinh viên theo định hướng của quá trình dạy học.
Như vậy đổi mới phương pháp dạy học là chuyển vị trí của người học của chúng ta từ chỗ học thuộc, học theo mẫu sang tự học, tự hỏi, tự tìm tòi giải quyết vấn đề. Đó cũng chính là yêu cầu cơ bản quan trọng nhất khi thực hiện chuyển hình thức đào tạo học phần sang hình thức tín chỉ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc