Một số giải pháp trong công tác kết hợp giữa đào tạo với thực nghiệm khoa học và sản xuất trong trường Đại học Công nghiệp quảng ninh
1- Tiếp tục quán triệt đường lối Giáo dục - Đào tạo của Đảng.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tháng 12 năm 1986 đã đề ra đường lối đổi mới cho đất nước, chuyển từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII Khẳng định đường lối đổi mới là đúng đắn. Để thực hiện đường lối đổi mới thành công, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII tháng 6/1996 đã đề ra nhiều chính sách lớn, Đặc biệt Nghị quyết TW2 khoá 6 tháng 12/1996 đã định hướng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong thời kỳ Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá (CNH- HĐH). Đã coi Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) là Quốc sách hàng đầu, GD - ĐT cùng khoa học công nghệ là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Hội nghị BCH TW lần thứ 6 khoá IX họp tháng 7/2002 đã kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW2 khoá VIII và đề ra phương hướng phát triển khoa học công nghệ đến năm 2010.
Triển khai Nghị quyết của Đảng ngày 28 tháng 12 năm 2001 Thủ tướng chính phủ ra quyết định số 201/2001/QĐ-TTG phê duyệt chiến lược phát triển Giáo dục 2001 đến 2010 “Xây dựng các trường đại học thành các trung tâm đào tạo vừa nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Xây dựng các viện, các trung tâm, bộ môn nghiên cứu khoa học, công nghệ mạnh ở các trường đại học. Chủ động nghiên cứu tìm ra các hình thức, cơ chế kết hợp hữu cơ giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Lấy hiệu quả ứng dụng thực tiễn làm đích để định hướng và gắn kết đào tạo với nghiên cứu.
2- Phát huy truyền thống kết hợp giữa đào tạo với thực nghiệm khoa học và sản xuất.
Khi mới thành lập là trường Trung cấp mỏ và được nâng cấp thành trường cao đẳng Mỏ Nhà trường đã triển khai nhiều công trình kết hợp giữa đào tạo và lao động sản xuất.
Đặc biệt sau các Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ VIII, IX Nhà trường đã có nhận thức sâu sắc hơn về công tác đào tạo gắn liền với thực nghiệm khoa học và sản xuất. Điều đó được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Cao Đẳng kỹ thuật Mỏ lần thứ 21 ngày 17/01/2002 “Từng bước kiện toàn lại hệ thống quản lý công tác nghiên cứu khoa học và Thực nghiệm sản xuất, đưa công tác nghiên cứu khoa học ngang tầm với vị trí trường Cao Đẳng. Trước mắt tập trung nghiên cứu các vấn đề phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, sản xuất. Đưa công tác nghiên cứu khoa học tới sinh viên. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thực nghiệm khoa học và sản xuất tại 2K Đèo Nai và Yên Ngựa - Thống Nhất.
Với chủ trương đúng, cùng hàng loạt các biện pháp quyết liệt trong những năm vừa qua Trường ta đã gặt hái khá thành công trong công tác gắn kết giữa đào tạo với thực nghiệm khoa học – Sản xuất.
Trong những năm còn là trường trung cấp kỹ thuật đã có nhiều công trình được thầy và trò Nhà trường kết hợp giữa đào tạo và lao động sản xuất một cách khoa học và có hiệu quả như:
- Công trình đào các đường lò cho mỏ Mạo Khê, mỏ Hà Lầm mỏ Thống Nhất
- Công trình thi công các đường lò nổ mìn buồng cho nhà máy điện Phả Lại.
- Công trình nổ mìn buồng ở mỏ Khe hùm, mỏ đá núi Dê của Công ty xây lắp mỏ Hồng Gai và Cẩm Phả. Nổ mìn dưới nước cho nhà máy xi măng Hoàng Thạch.
- Công trình đo vẽ bản đồ giải thửa cho huyện Đông Triều, huyện Yên Hưng.
Nhà trường còn huy động hàng trăm lượt các thầy giáo và hàng nghìn lượt học sinh tham gia lao động sản xuất theo nghề nghiệp tại các mỏ. Nhiều công trình liên kết giữa Nhà trường và các mỏ đem lại hiệu quả hàng tỷ đồng như công trình đào 230 mét lò đá cho Mỏ Hoành Bồ năm 2001 và đào 840 mét lò chuẩn bị trong điều kiện địa chất phức tạp cho Công ty Than Thống nhất năm 2002.
Từ năm 2003 Trường đã được Tổng Công Ty Than Việt Nam nay làTập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam giao cho các vỉa 2K tại bờ trụ Bắc mỏ Đèo Nai để thực nghiệm khai thác vỉa mỏng trên bờ dừng mỏ lộ thiên, vỉa 8 Vàng Danh thực nghiệm khai thác lại vỉa dốc vỉa dày và 2 vỉa 13-1, 13-2 với trữ lượng địa chất là 394000 tấn than để thực nghiệm khai thác hầm lò với một công nghệ hoàn chỉnh từ thiết kế đến chỉ đạo và tổ chức thi công.
Đặc biệt từ năm 1997 nhà trường thành lập Trung Tâm Thực nghiệm - Sản xuất thì kết quả về chất lượng đào tạo về tay nghề cho học sinh sinh viên cũng như thu nhập kinh tế cho nhà trường ngày càng tốt hơn.
Trong quá trình kết hợp giữa đào tạo và thực nghiệm khoa học và sản xuất Nhà trường đã đưa nhiều nội dung khoa học để học sinh được thực nghiệm trong thực tế như: Thực nghiệm nổ mìn vi sai, phương pháp tổ chức đào lò nhanh, phương pháp phá nổ phân tầng, công nghệ khai thác lò chợ với cột chống thuỷ lực đơn, sử dụng vì neo để chống giữ đường lò trong đào lò xây dựng cơ bản…
3- Khắc phục những tồn tại.
Quá trình thực nghiệm sản xuất tại các trường đại học ở Việt Nam nói chung và trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Mỏ nay là trường Đại học Công Nghiệp Quảng Ninh (ĐHCNQN) nói riêng là một công việc mới mẻ, mỗi một trường có một mô hình riêng, không có mô hình chung cho mọi trường nên việc tồn tại trong công tác quản lý công việc này là không tránh khỏi. Trong quá trình theo dõi và trực tiếp làm thực nghiệm sản xuất bản thân tác giả nhận thấy những tồn tại trong công tác thực nghiệm của trường là:
- Kế hoạch về đào tạo, kế hoạch nghiên cứu khoa học, kế hoạch về thực nghiệm khoa học sản xuất còn độc lập với nhau chưa thành một thể thống nhất.
- Mục tiêu của Công tác thực nghiệm khoa học sản xuất chưa được rõ ràng nên trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra còn lúng túng.
- Công tác thực nghiệm khoa học sản xuất chưa triển khai đều trong các khoa và các bộ môn.
- Việc huy động các cơ sở vật chất, thiết bị sẵn có của Trường vào mục đích thực nghiệm còn hạn chế, chưa chủ động, trong khi tiềm năng về thiết bị của trường là rất lớn.
- Đầu tư cho quá trình thực nghiệm còn dè dặt chưa xứng với mục tiêu hoạt động khoa học, thực nghiệm sản xuất của trường.
- Lực lượng cán bộ, giáo viên tham gia vào thực nghiệm khoa học sản xuất còn mỏng, chưa đồng đều trong các khoa, các bộ môn.
- Về chính sách thực nghiệm khoa học của trường đã bị lạc hậu chưa theo kịp cơ chế thị trường.
- Sự liên kết giữa Nhà trường với các viện nghiên cứu, các trường đại học còn ít, chưa thường xuyên, chưa thành hệ thống.
4- Các giải pháp và kiến nghị.
+ Xác định rõ mục tiêu của hoạt động thực nghiệm khoa học và sản xuất.
Với thành tích đã đạt được và những tồn tại trong thời gian qua, cùng với đòi hỏi của một trường đại học công nghệ trên cơ sở con người cùng với thiết bị sẵn có của Trường xác định mục tiêu của thực nghiệm khoa học và sản xuất như sau:
- Số ngành nghề triển khai thực nghiệm khoa học. Trước mắt triển khai ở các ngành truyền thống, lâu dài phải triển khai ở tất cả các ngành nghề đào tạo của Nhà trường.
- Số giáo viên tham gia thực nghiệm. Trước mắt huy động các giáo viên đã có kinh nghiệm tham gia, lâu dài phải huy động 100% giáo viên tham gia.
- Phải gắn đào tạo với thực nghiệm sản xuất, 100% sinh viên bậc đại học được huy động vào thực nghiệm khoa học và sản xuất.
- Về các đề tài thực nghiệm cần phải xác định rõ và giao cụ thể cho các khoa, bộ môn, Trước mắt triển khai từ dễ đến khó, từ đề tài cấp trường đến cấp ngành, cấp bộ, cấp nhà nước. Từ thực nghiệm đơn giản đến thực nghiệm chuyển giao công nghệ. Từ chuyển giao công nghệ trong nước đến chuyển giao công nghệ ra nước ngoài.
- Xây dựng mối liên kết để thực hiện thực nghiệm khoa học sản xuất theo các mô hình:
ĐHCNQN+ Các viện khoa học, công nghệ (VKHCN).
ĐHCNQN+ Các cơ sở sản xuất ( CSSX ).
ĐHCNQN + Các trường đại học trong nước (ĐHTN).
ĐHCNQN + Các trường đại học nước ngoài (ĐHNN).
ĐHCNQN+ VKHCN + CSSX + ĐHTN + ĐHNN +…
+ Công tác tổ chức quản lý Hoạt động thực nghiệm khoa học sản xuất.
Hoạt động thực nghiệm khoa học sản xuất đối với trường đại học là việc lớn và khó cần được coi trọng một cách đúng mức. Đảng uỷ – Giám hiệu cần có giải pháp về công tác tổ chức để tham mưu, chỉ đạo, quản lý, điều hành được nhiệm vụ đào tạo kết hợp thực nghiệm khoa học sản xuất bao gồm: Thực hành thực tập, thực nghiệm khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất trong và ngoài trường.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo của nhà trường công tác kế hoạch phải được coi trọng. Lấy kế hoạch giảng dạy, học tập làm trung tâm, kế hoạch nghiên cứu khoa học, thực nghiệm khoa học sản xuất là quan trọng. Công tác kế hoạch được chia ra kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, kế hoạch phải được lập cụ thể tới từng đơn vị. Kế hoạch phải có đầy đủ các điều kiện đảm bảo.
+ Tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện.
Kiên quyết sử lý các đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ và động viên khen thưởng các đơn vị làm tốt việc kết hợp đào tạo với thực nghiệm khoa học sản xuất.
Trên đây là một số ý kiến rút ra từ quá trình quản lý hoạt động đào tạo kết hợp với thực nghiệm khoa học sản xuất của trường trong thời gian qua rất mong các bạn độc giả góp ý và cộng tác với Nhà trường trong việc kết hợp đào tạo với Thực nghiệm khoa học và sản xuất để Trường Đại học Công Nghiệp Quảng Ninh ngày một phát triển hơn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn