Trường đại học công nghiệp quảng ninh những sự kiện và cơ sở phát triển

Thứ hai - 05/11/2012 11:33

Trường đại học công nghiệp quảng ninh những sự kiện và cơ sở phát triển

Ngày 25/12/2007, tại QĐ số 1730/2007/QĐ- TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng cấp thành Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, Vùng Đông Bắc, ngành Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và của đất nước.
 

1. Một số nét về Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

1.1  Sự hình thành Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh:

Ngày 25/11/1958, Trường Trung cấp Kỹ thuật Mỏ được thành lập theo QĐ số 1630/BCN để đáp ứng nguồn nhân lực kỹ thuật khôi phục sản xuất than sau ngày Khu mỏ được hoàn toàn giải phóng. Ngày 24/7/1996, được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật Mỏ để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Ngành. Ngày 25/12/2007, tại QĐ số 1730/2007/QĐ- TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng cấp thành Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, Vùng Đông Bắc, ngành Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và của đất nước.

 1.2. Loại hình, mô hình trường và phương thức đào tạo:

 - Loại hình trường: Công lập;

 - Mô hình trường:

 + Viện trong trường;

 + Bộ máy 3 cấp: Trường - Khoa - Bộ môn

 + Đào tạo đa ngành, đa hệ; hoạt động đa lĩnh vực;

 + Hệ thống mở, liên thông.

 + Tổ hợp ngành: Đào tạo - Khoa học - Sản xuất;

 - Hướng đào tạo: 4 trình độ: Cao đẳng; Đại học, Cao học và Tiến sĩ. Liên thông các trình độ; diện rộng ở trình độ đại học, hẹp dần và chuyên sâu ở trình độ cao hơn. Những năm trước mắt đào tạo một số ngành Đại học và các ngành nghề thuộc hệ đào tạo thấp hơn.

 1.3. Phương thức đào tạo:

 + Chính quy và không chính quy

 + Dài hạn và ngắn hạn

 + Bồi dưỡng kỹ thuật, kinh tế và quản lý

 1.4. Sứ mệnh, tôn chỉ mục đích, chức năng và định hướng phát triển.

 - Sứ mệnh của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh là sáng tạo tri thức mới, công nghệ mới và đào luyện con người mới xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, phát triển kinh tế - xã hội  của tỉnh Quảng Ninh, Vùng Đông Bắc và của đất nước.

 - Tôn chỉ của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh là phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, “mang tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hoạt động đào tạo của Trường theo nguyên lý: Học đi đôi với hành; giáo dục kết hợp với lao động sản xuất; lý luận gắn liền với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

 - Sản phẩm của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh là những kỹ sư và cử nhân kỹ thuật - công nghệ, kinh tế và quản lý phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để có thể tham gia thị trường lao động (trong nước và quốc tế) ngay từ khi rời ghế Nhà trường; có hoài bão, lý tưởng và trách nhiệm (cả với nghề nghiệp và xã hội); có lòng chính trực và nhân ái; có năng lực tự học, tự tiếp cận tri thức mới.

 - Chức năng của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh là:

 + Hoạt động đào tạo;

 + Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phục vụ sản xuất và hợp tác quốc tế.

 - Nhà trường xây dựng thương hiệu mạnh từ những thành tựu của hai chức năng trên, và từ đó có thể thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.

- Định hướng đến năm 2025: Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh nằm trong top 50 trường đại học hàng đầu khối kỹ thuật - công nghệ của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao (cả trong nước và quốc tế).

 2. Một số cơ sở ban đầu để phát triển của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh:

 2.1 Đội ngũ nhà giáo cơ hữu: 257 người, trong đó: Sau đại học 132 người (gồm Tiến sĩ KH, Tiến sĩ, NCS, Thạc sĩ) chiếm 51,3% tổng số giảng viên, với 16 GS, Phó GS, Tiến sĩ; trình độ Kỹ sư và Cử nhân khoa học: 125 người (chiếm 48,7%).

 2.2 Cơ sở vật chất cho đào tạo: Gồm 2 giảng đường chính: 80 phòng học; 21 phòng thí nghiệm, 3 phòng thực hành tin học với gần 400 máy tính hoạt động; Trung tâm thông tin - Thư viện: 3 tầng, diện tích 1475m2, với 20 phòng chuyên dùng, có mạng Internet, mạng LAN và Website; Nhà giáo dục truyền thống: 416m2; 1 Trung tâm thực hành Cơ khí - Cơ điện; 2 cơ sở thực nghiệm khoa học - sản xuất, năm 2005 được đầu tư thêm 15 tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu đào tạo và khai thác 60.000 tấn than/năm…

 Về đất: Trường có hai cơ sở. Cơ sở Đông Triều diện tích 10,7 ha, được đầu tư 100 tỷ đồng để hoàn chỉnh theo Quy hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt. Co sở Yên Hưng diện tích 50 ha, được thiết kế hiện đại, ở cửa ngõ vào thành phố Hạ Long, với vốn đầu tư 701 tỷ đồng, cho đào tạo đại học, sau đại học và hợp tác quốc tế.

 2.3 Nghiên cứu khoa học: Mỗi năm hoàn thành 2-3 đề tài cấp Bộ; 3-7 đề tài cấp Trường; phát huy hàng trăm sáng kiến, cải tiến các mặt công tác và đào tạo.

 2.4 Hợp tác quốc tế: Có quan hệ với 6 nước; Hợp tác có hiệu quả thiết thực với 2 trường: Đại học Điện lực Hoa Bắc và Đại học Công nghệ Liêu Ninh (Trung Quốc).

 2.5 Các ngành nghề đào tạo trình độ Đại học: Công nghệ kỹ thuật khai thác; Công nghệ kỹ thuật điện; Kỹ thuật tuyển khoáng; Kỹ thuật điều khiển; Kỹ thuật trắc địa; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật môi trường; Kỹ thuật công trình xây dựng; Kỹ thuật địa chất; Du lịch; Công nghệ thông tin; Quản trị kinh doanh; Kế toán và Kinh tế công nghiệp. Từ năm 2013 sẽ mở thêm các ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội.

 2.6 Thành tích: Sau gần nửa thế kỷ hoạt động, Nhà trường đã:

 - Đào tạo được trên 42.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật cho nền kinh tế và cho Lào; bồi dưỡng trên 1000 cán bộ chỉ huy sản xuất; SX trên 1 triệu tấn than…

- Được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Hai, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba (4 lần); Huân chương Kháng chiến hạng Ba, nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể TW và địa phương…; 5 Nhà giáo ưu tú.

 Ngoài những cơ sở vật chất “ban đầu” nói trên, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh còn được kế thừa truyền thống vẻ vang gần nửa thế kỷ qua, nhất là truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn