Khi nào giáo viên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Giáo viên không bắt buộc phải thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo Điều 31 Luật Viên chức hiện hành, khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, và giáo viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được xét thăng hạng chức danh.
Tại Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT quy định, việc cử giáo viên dự xét thăng hạng phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của cơ sở giáo dục công lậpvà tình hình thực tế của địa phương.
Cụ thể: Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng; Được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ; Có đầy đủ phẩm chất, đạo đức, không trong thời gian bị thi hành án kỷ luật hoặc thông báo xem xét xử lý kỷ luật…; Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét
Như vậy, chỉ khi giáo viên đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp mà mình muốn thăng hạng yêu cầu thì mới được đề nghị xét thăng hạng.
Theo quy định tại Công văn số 3124/BGDĐT 2019, việc tổ chức xét thăng hạng được thực hiện theo quy trình: Các đơn vị sự nghiệp thông báo tới tất cả giáo viên kế hoạch tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tổ chức thu nhận hồ sơ, sơ tuyển và lập danh sách cùng hồ sơ giáo viên dự xét thăng hạng gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng xét thăng hạng và tổ chức xét thăng hạng đối với giáo viên thông qua xét hồ sơ hoặc xét hồ sơ và sát hạch.
Cách xếp lương cho giáo viên được thăng hạng theo quy định tại Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV. Cụ thể như sau:
Chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ: Căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới;
Đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ: Căn cứ vào tổng hệ số lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới;
Tổng hệ số lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn bậc cuối cùng trong ngạch mới: Xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới. Ngoài ra, còn được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn