Tụt hậu ngoại ngữ là tự khép bớt cửa tương lai

Thứ năm - 21/11/2019 20:48
Với rất nhiều gia đình ở Việt Nam, việc học giỏi ngoại ngữ, chủ yếu là học tiếng Anh là một "nhiệm vụ" bắt buộc của những đứa con trong nhà. Bởi ai cũng biết giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh sẽ không bị tụt hậu, tăng cơ hội tìm được việc tốt, thu nhập cao.

Nguyện vọng và hướng "đầu tư" này là hoàn toàn đúng đắn, do đó, hầu hết các gia đình xác định, dù có "đói" cũng phải cho con học ngoại ngữ. Ngoài giờ học trên lớp, các con còn phải học thêm nhà thầy, ở trung tâm có giáo viên người Việt, nhà nào sang hơn thì tới trung tâm có giáo viên bản ngữ..., với mục tiêu cao nhất là giành điểm số và trình độ ngoại ngữ thật giỏi, mở cánh cửa tương lai.

Quyết tâm như thế nhưng hình như còn "sai sai" ở đâu đó mà chúng ta bị quốc tế đánh giá là thụt lùi về việc học và sử dụng ngoại ngữ. Mới đây, Tổ chức giáo dục Education First của Thụy Sĩ khi thực hiện bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh EF English Proficiency Index, đã xếp hạng Việt Nam ở thứ tự 52 trong tổng số 100 quốc gia. Đây là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam tụt hạng: Năm 2015 hạng 29/70; năm 2016 hạng 31/72; năm 2017 hạng 34/80; năm 2018 hạng 41/88. Cũng theo đánh giá này, nếu từ năm 2015 đến năm 2018, khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát của người Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình, thì đáng buồn là năm 2019 đã tụt xuống mức thấp.

Kết quả đánh giá này cũng phản ánh thực chất việc dạy và học tiếng Anh hiện nay khi tiếng Anh là một trong hai môn có số điểm trung bình thấp nhất kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019. Đã có nhiều cuộc họp, hội thảo ở nhiều cấp độ khác nhau được tổ chức để mổ xẻ nguyên nhân, tìm giải pháp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, vấn đề chính nằm ở số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như động lực học ngoại ngữ mỗi vùng, mỗi cá nhân khác nhau khiến sự chênh lệch giữa các vùng miền bộc lộ.

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương đi đầu cả nước trong việc học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, chất lượng tiếng Anh của học sinh TP Hồ Chí Minh tốt hơn một số nơi một phần nhờ khá nhiều từ các trung tâm ngoại ngữ. Cả thành phố có 700 trung tâm ngoại ngữ. Hiện nhiều trung tâm ngoại ngữ đã vào trường học tham gia giảng dạy. Với giáo viên, chuẩn trình độ cũng rất quan trọng. Nếu như năm 2012 chỉ có khoảng 5% giáo viên đạt yêu cầu thì đến nay thành phố đã có 70% giáo viên đạt chuẩn nhờ vào việc sử dụng ngân sách nhà nước để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế.

Học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng đóng vai trò rất quan trọng. Tiếng Anh vốn không phải một mục tiêu, mà là một công cụ mạnh mẽ giúp chúng ta chinh phục thế giới, chinh phục tương lai. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người đặt nền móng cho việc học tiếng Anh ở đảo quốc này khẳng định: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”. Đây là một thực tế. Thế nhưng, phần đông lao động trẻ ở nước ta hiện nay còn thiếu và yếu ngoại ngữ, ít chịu đầu tư cho việc học, chưa xem nó là công cụ cần thiết cho phát triển nghề nghiệp. Khảo sát gần đây cho thấy, nhiều lao động trẻ có bằng hay chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng chỉ có 1/10 số ứng viên giao tiếp và sử dụng được ngoại ngữ cho công việc.

Câu hỏi là những lao động trẻ này có bị tụt hậu không? Chắc chắn là có. Ông Lý Quang Diệu từng nhấn mạnh: Muốn “không tụt hậu” thì chỉ có một cách là phải giỏi tiếng Anh.

Học ngoại ngữ cần trở thành phong trào xã hội học tập thực chất. Cần đặt ra mục tiêu dạy học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng, coi ngoại ngữ là công cụ để giao tiếp, học thực chất, không nhất thiết đặt nặng vấn đề bằng cấp, chứng chỉ. Ngoài ra, có thể đưa một số môn học như Toán, Khoa học tự nhiên vào giảng dạy bằng tiếng Anh trong nhà trường; thông qua đó, tăng tính hiệu quả của việc học ngoại ngữ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc