Cần quan tâm đến học sinh nhiều hơn

Thứ năm - 21/11/2019 20:14
GD&TĐ - Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu tâm lý học trẻ em và giáo dục, TS Ngô Thanh Huệ, giảng viên Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ về xây dựng trường học hạnh phúc.

Áp lực học tập khiến học sinh không hạnh phúc

Tại hội thảo về Trường học hạnh phúc mới được tổ chức tại Hà Nội, TS Ngô Thanh Huệ cho rằng, học sinh hài lòng với cuộc sống ở trường sẽ phát triển tốt hơn, có khả năng thích ứng với môi trường cao hơn, làm gia tăng nguồn lực cá nhân. Thế nhưng trong những năm gần đây, gặp một số vấn đề ở trường dẫn tới việc trốn học, bỏ học, trầm cảm, rối loạn tâm lý.

Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc mới được công bố đã xếp áp lực học tập vào một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam rối loạn về sức khỏe tâm thần. Một nguyên nhân khiến trẻ em Việt Nam bị stress dẫn đến sợ đến trường.

Nếu trẻ dành ra 8 giờ ở trường, 2 giờ học thêm, 1 giờ làm bài tập về nhà thì mỗi ngày trẻ tốn đến 11 giờ để học. Nhân với 6 ngày trong tuần, con số này thành 66 giờ. Đối với người lớn, làm việc 60 giờ trở lên mỗi tuần đã là rất stress.

Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh và thầy cô giáo còn quá chú trọng điểm số học tập của trẻ. Không ít trường hợp, dù được 8 điểm, trẻ vẫn bị chê bai, mắng mỏ. Chưa kể, tình trạng bạo lực học đường khiến trẻ em tổn thương nặng nề. Thống kê của ngành công an chỉ ra trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu ở lứa tuổi THCS và THPT.

Do đó, để giúp trẻ giảm bớt áp lực học tập, các bậc cha mẹ cần cân bằng thời gian học tập - nghỉ ngơi của con và dành thời gian đưa con ra ngoài. Không cần tổ chức những chuyến đi xa, đắt tiền mà chỉ cần đi siêu thị, đi dạo với con là đủ. Các bố mẹ hãy dành thời gian lắng nghe con.

Cần khảo sát từng trường học
 

Vừa qua, TS Ngô Thanh Huệ cùng nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài: Đánh giá sự hài lòng của học sinh và cha mẹ học sinh tại trường THCS TP Hà Nội. Nhóm thực hiện khảo sát đối với hơn 500 học sinh THCS và hơn 500 phụ huynh ở Hà Nội về những yếu tố mang lại sự hài lòng cho các em.

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy: 60% học sinh được hỏi thấy có quá nhiều bài tập ở nhà, 57% cho rằng phải học quá nhiều ở trường, 58% chưa hài lòng và muốn giáo viên giải thích kỹ hơn ở những vấn đề khó. Học sinh rất sợ bị điểm kém, sợ giáo viên trao đổi với bố mẹ và sợ sai khi làm bài tập.

Vì vậy, thầy cô cần quan tâm hơn với “hạnh phúc” và “sự thoải mái” của trẻ trong môi trường nhà trường. Trẻ gặp những vấn đề như kết quả học tập không cao, khả năng tương tác yếu, sức khỏe tinh thần và thể chất kém thường có những hành vi gây nguy cơ như lâm vào tình trạng nghiện ngập một thứ gì đó, dẫn tới bỏ học.

TS Ngô Thanh Huệ khẳng định, trường học hạnh phúc không chỉ đơn thuần là làm cho học sinh hạnh phúc. Việc chú trọng đến sự thay đổi của thầy cô giáo trong xây dựng trường học hạnh phúc là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ thầy cô thay đổi thôi là chưa đủ bởi thầy cô chỉ là một phần của ngôi trường, bên cạnh còn có các nhà quản lý, nhân viên trong trường, phụ huynh và các yếu tố khác cấu thành bầu không khí học đường.

Vì vậy, muốn xây dựng trường học hạnh phúc, các nhà trường phải quan tâm đến tất cả mối liên hệ xung quanh trường học. Chẳng hạn, mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình, giữa thầy cô với học sinh, thầy cô khác, với ban giám hiệu và những nhân viên khác bởi nó ảnh hưởng đến tâm trạng của thầy cô khi lên lớp.

Từ cách nhìn nhận trên, TS Ngô Thanh Huệ nhấn mạnh, để xây dựng trường học hạnh phúc, các trường phải có đánh giá tổng thể nhằm xem xét những vấn đề trường đang gặp phải, cần cải thiện cái gì và cải thiện như thế nào, chứ không nên áp dụng những mô hình chung chung.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn