Yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để xét, thi thăng hạng: Ứa nước mắt thương thầy cô
Giáo viên đang bị “móc túi”
Cho rằng đây là vấn đề gây ra nhiều bức xúc cho giáo viên, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) trao đổi bên hành lang Quốc hội: Để có thể trụ vững trong ngành, giáo viên đang phải chịu rất nhiều áp lực bởi những tác động khách quan, trong đó có vấn đề thi nâng ngạch, thăng hạng với những yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ…
" Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên là chủ trương hoàn toàn đúng, nhất là chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhưng với các quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ như hiện nay, để xét, thi thăng hạng giáo viên là chưa phù hợp với thực tiễn, rất cần điều chỉnh lại để phù hợp với thực tế hiện nay." Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai kiến nghị |
Theo quy định, giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp mới được xét thăng hạng, được hưởng lương đúng như bằng cấp mà họ đang có. Quy định này có nhiều bất cập. Đại biểu phân tích, đại đa số giáo viên làm trong môi trường không sử dụng ngoại ngữ thường xuyên nhưng lại yêu cầu họ phải có chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Với nhiều giáo viên, để có được chứng chỉ này còn khó hơn thi đại học. Đây chính là lý do để họ tìm mọi cách, kể cả gian lận để có được chứng chỉ.
Theo đại biểu, với hàng triệu giáo viên đang trực tiếp đứng lớp, giảng dạy những môn không phải ngoại ngữ, mà yêu cầu họ cần đạt chuẩn B1, B2 là không phù hợp, gây lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của họ. Có cầu, ắt có cung nên các “cò” xuất hiện và tiêu cực cũng xảy ra; thực tế này đã được các cơ quan báo chí phản ánh.
“Khi nghe thông tin có giáo viên phải nộp số tiền lớn cho các “cò” để lấy chứng chỉ, thậm chí phải đi vay ngân hàng, tôi rất bất bình. Đây là việc lợi dụng quy định về chứng chỉ để “móc túi” giáo viên. Thực sự rất bức xúc và ứa nước mắt vì thương thầy cô” – đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai thẳng thắn nói, đồng thời đề nghị: Các cơ quan chức năng cần sớm điều chỉnh lại quy định này sao cho phù hợp.
Theo đại biểu, muốn chuẩn hóa đội ngũ thì phải có lộ trình dài hạn. Chẳng hạn 5 năm tới, yêu cầu cử nhân sư phạm, trước khi làm giáo viên phải đạt được yêu cầu gì, chứ không phải đề ra quy định rồi yêu cầu các giáo viên thực hiện ngay. Ngoài ra, muốn chuẩn hóa giáo viên, phải chuẩn ngay từ khâu đào tạo ở các trường sư phạm.
Rất cần sửa đổi
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) nêu thực trạng, hiện nay việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch, còn tồn tại nhiều bất cập. Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức bởi một số lý do nhất định. Đại biểu phân tích, nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục đã đăng ký các lớp học ngoại ngữ, tin học với thời gian thực học rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không thực chất.
Ngoài ra, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi học xong và có chứng chỉ nhưng lại không sử dụng đến. Chính vì vậy, mục đích có chứng chỉ chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch và gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ giáo viên.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: Nếu chúng ta chỉ nhìn vào bằng cấp, chứng chỉ thì chưa đủ. Hiện nay có nhiều vấn đề giáo viên đang băn khoăn, bức xúc, bởi họ đang bị coi như một viên chức đơn thuần, bị chi phối bởi các quy định của Luật Viên chức về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thi nâng ngạch, thăng hạng. Quy định này chưa thấy hết sự cống hiến, đóng góp của thầy cô giáo với sự nghiệp “trồng người”.
Đại biểu Ngô Thị Minh dẫn giải, những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, hằng ngày không dùng đến ngoại ngữ, không có môi trường để trau dồi ngoại ngữ, giờ yêu cầu họ phải có chứng chỉ ngoại ngữ, rõ ràng là bất cập.
Theo đại biểu, khi ban hành một chính sách phải đặt mình vào đối tượng chịu sự tác động của chính sách, hiểu đối tượng đang cần gì và phải làm gì? Luật Viên chức hiện nay đang quá rộng, chưa phù hợp với đặc thù của nghề giáo. “Chúng tôi tha thiết đề nghị có Luật Nhà giáo để tháo gỡ được bất cập. Nếu gộp hết các đối tượng giáo viên, bác sĩ, y sĩ… là viên chức nói chung, thì chưa tháo gỡ được những vấn đề thực tiễn đặt ra. Giáo viên cần có thời gian để nghiên cứu đổi mới về phương pháp giảng dạy, cải tiến trong công việc chứ không phải bỏ thời gian đi học, thi chứng chỉ rồi không dùng đến nó” - đại biểu Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng cũng nhận thấy sự phiền hà về việc văn bằng, chứng chỉ khi thi nâng ngạch, xét thăng hạng viên chức và quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. “Chúng tôi cam kết với Quốc hội: Năm 2020, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Viên chức có hiệu lực, chúng tôi sẽ sửa ngay.
Chúng tôi sẽ thực hiện các quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ, thủ tục nào nữa. Còn vấn đề kiểm soát, chúng ta có nhiều cách; Tin học, ngoại ngữ bây giờ phải thi trên máy tính, bài làm sát hạch bằng tiếng Anh, không cần phải có văn bằng. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm các phương pháp này để loại bớt đi thủ tục hành chính” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trao đổi.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn