Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục
Trong năm học 2016 - 2017 vừa qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra. Các địa phương đã rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo. Cả nước có 235 trường Đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sỹ, 32 trường Cao đẳng sư phạm và 2 trường Trung cấp sư phạm. Đối với nhóm cơ sở đào tạo giáo viên, hiện có 58 trường Đại học, 57 trường Cao đẳng, 40 trường Trung cấp có ngành đào tạo giáo viên.
Công tác định hướng, phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh được quan tâm. Chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh được nâng cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục cũng được tăng cường. Các cơ sở giáo dục cũng đã đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Một số địa phương và cơ sở giáo dục Đại học tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục; cơ sở vật chất phục vụ dạy học được đảm bảo; việc phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 được các địa phương và cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và tổ chức thành công. Số thí sinh vi phạm quy chế thi giảm đáng kể so với các năm học trước. Kết quả kỳ thi có 170 đơn vị tuyển sinh chiếm 53% tuyển đủ chỉ tiêu, nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì có 234 đơn vị tuyển sinh chiếm 73%, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các năm trước. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học năm 2017 đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay với tổng số 31 huy chương, trong đó có 14 huy chương vàng, 13 huy chương bạc; cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh Trung học đạt kết quả cao. Việt Nam có 5/8 dự án đoạt giải, xếp thứ 3 toàn đoàn về số lượng giải sau Hòa Kỳ và Ấn Độ. Ngoài ra, công tác truyền thông giáo dục được đẩy mạnh.
Năm học 2017- 2018, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản với phương hướng chung là: Tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.
Giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh tự chủ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội. Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ghi nhận những kết quả ngành Giáo dục và Đào tạo đạt được trong năm học qua. Cụ thể ngành đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; xây dựng chương trình tổng thể giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 29; kỳ thi THPT Quốc gia được đổi mới mạnh mẽ; tự chủ Đại học đã được đổi mới toàn diện; quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo có bước tiến bộ…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian tới, các cấp phải quan tâm đến việc "dạy người" toàn diện; tăng cường tự chủ để phát huy tính tự chủ ở cơ sở; chương trình đổi mới sách giáo khoa cần phải được khẩn trương thực hiện và tập trung thực hiện tốt, trong đó Bộ phải quản lý về chất lượng; từng địa phương quan tâm đến cơ sở vật chất phục vụ học tập. Đối với việc tổ chức các kỳ thi, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tập trung vào khâu ra đề thi, các nhà trường tự chủ trong việc tuyển sinh; quan tâm đến vấn đề giáo dục thường xuyên và giáo dục kỹ năng sống…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn