Nghiên cứu đề xuất giải pháp hoàn thiện hình thức bảo vệ trong các khởi động từ phòng nổ mỏ hầm lò vùng Uông Bí - Quảng Ninh
22:48 19/11/2018
Các khởi động từ phòng nổ là loại thiết bị điện chủ yếu trong các mạng điện hạ áp mỏ hầm lò. Qua nghiên cứu cho thấy các hình thức bảo vệ điện áp quá thấp, bảo vệ mở máy quá dầy, bảo vệ rò điện và khoá liên động bảo vệ rò trong các khởi động từ hiện đang được sử dụng trong các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh là phù hợp. Hình thức bảo vệ ngắn mạch sử dụng rơle dòng điện hoặc cầu chì đấu trực tiếp hoặc gián tiếp vào mạch lực còn có nhiều nhược điểm. Một số khởi động từ không có hình thức bảo vệ quá tải và bảo vệ mất pha. Để nâng cao hiệu quả sử dụng các khởi động từ phòng nổ thì hệ thống bảo vệ trong các khởi động từ hiện đang sử dụng trong các mỏ hầm lò cần phải thay đổi cho phù hợp. Từ những ưu nhược điểm của các khởi động từ ở mỏ hầm lò tôi kiến nghị giữ nguyên một số hình thức bảo vệ hiện có như bảo vệ khỏi điện áp quá thấp, bảo vệ rò và khoá liên động rò, bảo vệ khỏi mở máy quá dầy. Còn các hình thức bảo vệ khác như bảo vệ quá tải, bảo vệ ngắn mạch và bảo vệ mất pha tôi đề xuất thay thế bằng bộ bảo vệ tổng hợp động cơ điện không đồng bộ. Bộ bảo vệ bao gồm có bộ rơle tạo thời gian trễ, bộ phận nhận dạng tín hiệu quá tải và ngắn mạch, bộ so sánh, bộ phận thực hiện và bộ phận tạo nguồn nuôi cho rơle.
Nghiên cứu thiết kế Rơ le bảo vệ đa năng phù hợp với các khởi động từ phòng nổ có điện áp 380V hoặc 660V tại mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh
22:45 12/04/2017
Các khởi động từ phòng nổ dùng trong các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh có nhiều chủng loại, được sản xuất từ nhiều nước khác nhau. Mỗi loại đều có những ưu và nhược điểm nhất định. Chúng là loại thiết bị điện chủ yếu trong các mạng điện hạ áp mỏ hầm lò. Vì vậy, việc sử dụng hiệu quả các khởi động từ phòng nổ trong các mỏ hầm lò không những có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt an toàn điện giật và an toàn nổ mà còn có ý nghĩa kinh tế lớn.
Nghiên cứu phương pháp chuyển đổi dữ liệu CAD sang dữ liệu Arcgis phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu GIS
23:52 22/03/2016
Hiện nay phần lớn các dữ liệu trắc địa thường được lưu trữ dưới dạng dữ liệu CAD, nhưng nếu chỉ sử dụng một kiểu dữ liệu CAD sẽ không đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay đặc biệt trong lĩnh vực quản lí đất đai, vì vậy việc chuyển đổi kiểu dữ liệu là cần thiết. Bài báo tập trung chủ yếu phân tích đặc điểm của dữ liệu CAD, dữ liệu ARCGIS, phân tích vấn đề còn tồn tại trong việc chuyển đổi giữa hai kiểu số liệu này, sau đó so sánh ưu nhược điểm chức năng tự động chuyển đổi dữ liệu bằng ARCGIS với chuyển đổi dữ liệu bằng phần mềm FME, cuối cùng đưa ra ví dụ cụ thể tiến hành chuyển đổi dữ liệu từ CAD sang dữ liệu ARCGIS.
Nghiên cứu, phân tích hiện trạng mở vỉa khai thác than và định hướng mở vỉa bằng giếng đứng trong tương lai tại vùng mỏ Quảng Ninh
21:31 19/06/2014
Hiện nay, lượng tài nguyên khoáng sản than tại Việt Nam từ mức -125 trở lên đã khai thác gần hết. Theo thăm dò địa chất đến năm 2030, để đảm bảo nhu cầu năng lượng than cung cấp cho các nhà máy, yêu cầu cần phải thăm dò khai thác khoáng sản tới mức -350. Từ trước tới nay, các hệ thống khai thông mở vỉa tại Việt Nam chủ yếu là các đường lò bằng, lò nghiêng, giếng nghiêng nối thông các hệ thống sân ga và hầm trạm bên dưới. Các hệ thống có ưu điểm là thi công đơn giản, chủ yếu được chống bằng sắt vòm. Tuy nhiên, chiều dài đối với giếng nghiêng lớn do yêu cầu về các thiết bị vận tải trong giếng. Việc khai thác tầng khoáng sản dưới sâu mức -350 khi sử dụng giếng nghiêng có những nhược điểm cơ bản sau: chiều dài đường lò lớn do vậy yêu cầu khai trường phải rộng, chi phí xây dựng tăng do chiều dài đường lò tăng, các thiết bị trục tải phải lớn hơn do vậy tăng chi phí đầu tư ban đầu của mỏ. Do vậy, hiện nay để khai thông mở vỉa khai thác các tầng khoáng sản dưới sâu thì việc sử dụng giếng đứng là tối ưu nhất.
Nghiên cứu lập trình vận hành điều khiển và thiết kế hệ thống scada cho trạm điều khiển thông gió chính của mỏ than hầm lò
21:32 20/01/2013
Trong thực tế hiện nay, khi vận hành trạm điều khiển thông gió chính, người vận hành sẽ tiến hành điều khiển trên bàn điều khiển trung tâm hoặc điều khiển trực tiếp trên các thiết bị đóng, cắt, tủ điện... Hơn nữa, việc thao tác đóng, cắt khi có các sự cố xảy ra sẽ mất nhiều thời gian, nhân viên vận hành phải đến tận các tủ điều khiển mới thực hiện được. Mặt khác, trong quá trình điều khiển và làm việc của hệ thống đó, người vận hành không quan sát được một cách tổng thể các chế độ làm việc của các thiết bị và của toàn bộ hệ thống. Để khắc phục nhược điểm này, cần tạo ra được sự điều khiển các tủ bằng các thiết bị hiện đại nhờ giao diện trên màn hình máy tính. Như vậy, người vận hành chỉ cần quan sát trên màn hình máy tính là có thể quan sát được quá trình làm việc của toàn bộ thiết bị trong hệ thống. Sau khi viết được các chương trình vận hành hệ thống theo yêu cầu, các tủ điện sẽ được đóng hoặc cắt điện một cách rất nhanh chóng chỉ qua một thao tác đơn giản. Điều này đặc biệt quan trọng trong chế độ sự cố, chỉ trong thời gian rất ngắn, nhân viên vận hành sẽ biết được tình huống đã xảy ra và chọn được phương án điều khiển để dễ dàng khắc phục sự cố. Để thực hiện điều đó, trong bài viết này tác giả trình bày nghiên cứu lập trình vận hành điều khiển và thiết kế hệ thống Scada cho trạm điều khiển thông gió chính của mỏ than hầm lò nhằm ứng dụng thiết bị và công nghệ nói trên.