Nghiên cứu công nghệ tuyển nổi quặng Antimon khu vực Lạng Sơn
04:24 21/04/2017
Antimon là một á kim có nhiều tính chất cơ lý tương tự như kim loại, nhưng không phản ứng như các kim loại về mặt hóa học, antimon và các hợp chất của nó được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp và trong đời sống để sản xuất các điốt, các thiết bị phát hiện bằng tia hồng ngoại và các thiết bị dùng hiệu ứng Hall.
Ứng dụng quan trọng nhất của antimon là tác nhân làm cứng trong chì để làm các loại ắc quy. Các ứng dụng bao gồm: Hợp kim chống ma sát, hợp kim đúc chữ in, đạn cho các vũ khí cầm tay và đạn lửa, lớp bọc cho sợi cáp, diêm, các loại thuốc phòng trừ sinh vật nguyên sinh ký sinh, hàn chì…
Hiện nay nhu cầu về Sb trên thế giới cũng như ở Việt Nam ngày càng tăng. Theo phê duyệt “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất công nghiệp antimon đến năm 2015, có xét đến năm 2025” nhu cầu thị trường về antimon trong nước là rất lớn và hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu kim loại và các sản phẩm antimon từ nước ngoài. Mặt khác, nước ta có rất nhiều mỏ antimon có trữ lượng tương đối lớn, đặc biệt là khu vực Lạng Sơn nhưng chưa được khai thác, chế biến hợp lý hoặc có công nghệ lạc hậu. Do đó việc nghiên cứu công nghệ tuyển và chế biến hợp lý antimon làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp luyện kim là rất cần thiết và cấp bách.
Nghiên cứu công nghệ tuyển quặng apatit loại 2 mỏ Cóc - Lào Cai bằng thuốc tập hợp Berol
23:00 13/03/2016
Apatit là quặng chứa hợp chất của phospho, có công thức hoá học tổng quát là Ca5(PO4)3F hoặc Ca5(PO4)3Cl. Nó là nguyên liệu chính để sản xuất phospho và các hợp chất của nó. Phospho và các hợp chất chứa phospho được ứng dụng rộng rãi trong nền kinh tế quốc dân, ngành công nghiệp phân bón sử dụng khoảng 90% nhu cầu về phospho, ở đây phospho được sử dụng dưới dạng các loại phân bón chứa phosphat (phân lân) như supe phosphat đơn và kép, amophos, nitrophos, phosphat kết tủa, các loại phân lân nung chảy. Các ngành công nghiệp khác sử dụng 10% nhu cầu còn lại. Theo thành phần hoá học, khoáng vật, thạch học quặng apatit được phân chia ra bốn dạng cơ bản là quặng loại I, loại II, loại III, loại IV. Trong đó quặng loại II có trữ lượng lớn nhưng chưa được sử dụng nhiều (khoảng 1%) do chưa có công nghệ tuyển phù hợp. Tuy nhiên trong các mỏ quặng loại II thì quặng tại Mỏ Cóc có triển vọng hơn cả. Hiện nay trên thị trường có đưa ra loại thuốc Berol 2105 để tuyển nổi thuận quặng apatit loại II nhưng chưa có chế độ công nghệ phù hợp. Do đó việc nghiên cứu chế độ công nghệ tuyển quặng apatit loại II vùng Mỏ Cóc là hết sức cần thiết để đưa vào sản xuất.
Nghiên cứu tuyển tách kim loại nặng trong sản phẩm quặng tinh TALC Thu Ngạc - Phú Thọ
02:36 12/12/2014
Talc là một khoáng vật silicat lớp của magie hydrat, có công thức là Mg3Si4O10(OH)2. Talc có tính chất cách điện, cách nhiệt, nhiệt độ nóng chảy cao, độ giãn nhiệt thấp, bền hóa học, hấp thụ dầu, kị nước, ưu hợp chất hữu cơ và diện tích bề mặt lớn. Với các tính chất về quang học (độ trắng), nhiệt (chịu nhiệt, ổn định nhiệt), hóa học (độ tinh khiết, độ mất khi nung, độ trơ, ái lực với các chất hữu cơ), vật lý (kích thước hạt, độ mịn, kết cấu dạng tấm, tỉ trọng)… talc được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như gốm sứ, sơn, giấy, vật liệu lợp, chất dẻo, mỹ phẩm và dược phẩm. Tuy nhiên các nguyên tố kim loại nặng, chỉ với hàm lượng rất nhỏ có trong bột talc thương phẩm cũng có ảnh hưởng tới sức khỏe con người bao gồm Chì (Pb), Arsen (As), Cadimi (Cd), Thủy ngân (Hg) và sắt (Fe).