Xây dựng đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới hiện nay

Chủ nhật - 20/01/2013 21:30
Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong đó, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một việc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong gai đoạn hiện nay. Đặc biệt, việc xây dựng và giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay là rất cần thiết nhằm thể hiện những mặt tích cực để tạo ra và trở thành động lực, sức mạnh quy tụ toàn dân tộc vững bước tiến vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều nét mới trong giá trị nhân văn và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành.
1. Sự cần thiết phải xây dựng đạo đức mới trong giai đoạn hiện nay
Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong đó, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một việc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong gai đoạn hiện nay. Đặc biệt, việc xây dựng và giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay là rất cần thiết nhằm thể hiện những mặt tích cực để tạo ra và trở thành động lực, sức mạnh quy tụ toàn dân tộc vững bước tiến vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều nét mới trong giá trị nhân văn và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành.
Phần lớn thế hệ trẻ hiện nay là những người có phẩm chất cao đẹp, có lối sống lành mạnh và hành động đúng mực, thái độ học tập, lao động đúng đắn, sống có lý tưởng, yêu quê hương đất nước, yêu chủ nghĩa xã hội, luôn trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, không ngừng phấn đấu để đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Những việc làm hướng về cội nguồn, về cách mạng, về kháng chiến, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, đền ơn, đáp nghĩa, những người có công, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, quý trọng các danh nhân văn hóa được tiến hành sôi nổi, thể hiện truyền thống: “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “thương người như thể thương thân”,... đã trở thành phong trào quần chúng ở khắp mọi nơi trên đất nước, thể hiện tinh thần của thanh niên Việt Nam vẫn giữ được đạo đức cách mạng, luôn nêu cao và phát huy những giá trị đạo đức cao đẹp của dân tộc. Họ có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh những mặt tích cực trong đời sống tinh thần xã hội ta, trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường cùng quá trình hội nhập còn thể hiện những mặt yếu kém cần phải nhận thức một cách sâu sắc. Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị truyền thống của dân tộc, khát vọng làm giàu bằng mọi cách, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ đang gây hại cho thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền mà trà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp; buôn lậu và tham nhũng phát triển. Ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác gia tăng. Nạn mê tín dị đoan khá phổ biến, nhiều hủ tục cũ và mới có lan tràn, nhất là việc cưới xin, tang ma, lễ hội,... Nhiều biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, đạo đức làm cho xã hội lo lắng: Sự suy thoái đạo lý trong quan hệ thầy trò, môi trường sư phạm xuống cấp, lối sống thiếu lý tưởng, hoài bão, ăn chơi, nghiện ma túy,... ở một số bộ phận học sinh, sinh viên.
Vì vậy, việc xây dựng đạo đức mới trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết và đòi hỏi chúng ta phải biết khai thác mặt tích cực, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại mặt hạn chế của kinh tế thị trường. Trong quá trình đó, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình cho cán bộ, đảng viên có tầm quan trọng hàng đầu đối với vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, thanh niên và nhân dân ta hiện nay.
2. Nội dung của việc xây dựng đạo đức mới trong giai đoạn hiện nay
Để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đặc biệt là sự chuyển đổi lối sống, đạo đức và chuẩn mực giá trị mới cho phù hợp với điều kiện xã hội đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà vẫn giữ được bản sắc độc đáo của dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sự tác động của các nhân tố khách quan vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, con người chỉ hình thành và phát triển trong điều kiện cụ thể, có sự tác động mạnh mẽ của bối cảnh xã hội. Nếu không thấy mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa và sự chuyển đổi lối sống đạo đức, các chuẩn mực giá trị xã hội mới, mà chỉ đề ra yêu cầu một chiều, một phía thì mọi cố gắng trong việc xây dựng con người mới sẽ không tránh khỏi khuynh hướng không tưởng hoặc chỉ có giá trị lí thuyết còn trong thực tế không bao giờ thực hiện được.
Xây dựng con người mới trên cơ sở giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống hiện nay phải hướng tới mục tiêu “Hoàn thiện con người Việt Nam”; phát triển con người về trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức lối sống, tình cảm, nhân cách, hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ, xây dựng con người Việt Nam có tinh thần yêu nước, có ý thức cộng đồng, có lòng nhân ái khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, có ý thức tự cường dân tộc, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh. Xây dựng một nền đạo đức Việt Nam trong sáng, lành mạnh giàu tính dân tộc và hiện đại, mang đậm tính nhân văn.
a. Giáo dục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng
Cuộc sống luôn đặt ra những câu hỏi cần phải được giải đáp. Một trong những câu hỏi lớn nhất, trọng yếu nhất là mục đích của cuộc sống, sống để làm gì? hay lý tưởng mà con người đang phấn đấu là gì? Lý tưởng hiểu theo nghĩa phổ biến và dễ hiểu nhất mà con người luôn hướng tới: “Lý tưởng là trạng thái hoàn hảo nhất mà con người ta mong muốn đạt tới”. Có những lý tưởng tiến bộ phản ánh được khuynh hướng phát triển khách quan của xã hội, đồng thời phản ánh lợi ích, quan niệm của giai cấp tiến bộ và nhân dân lao động. Có những lý tưởng phản động, phản ánh quan niệm và lợi ích của giai cấp đã lỗi thời, đi ngược lại tiến trình phát triển của xã hội. Lại có những lý tưởng không tưởng, không xuất phát từ cơ sở hiện thực của xã hội.
Việc bồi dưỡng của lý tưởng cách mạng là một trong những định hướng cơ bản và quan trọng của Đảng ta. Để có lý tưởng cách mạng phải thông qua sự phân tích, chứng minh có căn cứ lí luận và thực tiễn sâu sắc. Có lý tưởng cách mạng cao đẹp sẽ định hướng cho mỗi con người trong việc phấn đấu để đạt mục tiêu mà mình mong muốn và hướng tới, nếu không có lý tưởng hoặc lý tưởng mờ nhạt thì con người sẽ mất phương hướng. Lý tưởng cách mạng mà chúng ta xây dựng, được Hồ Chí Minh xác định gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Con đường đi lên lý tưởng của Hồ Chí Minh là con đường đầy khó khăn gian khổ, không phải chỉ có nhiệt tình nóng bỏng của một trái tim yêu nước, mà còn có cả sự thông minh, tuyệt vời của một khối óc vĩ đại. Lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã trở thành niềm tin, lẽ sống của nhiều thế hệ kế tục nhau. Con đường đi đến lý tưởng cao đẹp là con đường phải đổ nhiều mồ hôi, xương máu, nhưng cũng đầy vinh quang. Có giác ngộ lý tưởng cách mạng thì mới đảm đương được sứ mệnh lá cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và dân tộc đến thắng lợi cuối cùng. Giáo dục cho mỗi người thấm nhuần sâu sắc lý tưởng giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc.
Trong những năm gần đây, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh và đặc biệt nhấn mạnh phải “quan tâm giáo dục lí tưởng cách mạng, đao đức, lịch sử và văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ…”. Đường lối của Đảng hiện nay là phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Lý tưởng cao nhất của Đảng và Nhà nước ta là phấn đấu cho mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Xây dựng đạo đức mới, trước hết phải xây dựng lý tưởng cách mạng. Con người có đạo đức cách mạng đầu tiên phải có lý tưởng, hoài bão, phấn đấu suốt đời cho sự nghiệp cách mạng, cho mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
b. Trung với nước, hiếu với dân
Trung với nước, hiếu với dân là một chuẩn mực đạo đức cơ bản trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng ta kế thừa và vận dụng trong việc xây dựng đạo đức mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng đạo đức mới là xây dựng chuẩn mực đạo đức: “Trung với nước, hiếu với dân”. Trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, vừa là định hướng chính trị, đạo đức cho mỗi người Việt nam. Đối với cán bộ đảng viên như Hồ Chí Minh đã nói: điều chủ chốt nhất” của đạo đức cách mạng là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng” là “tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”, là “trung với nước, hiếu với dân”, hơn nữa phải là “tận trung, tận hiếu” thì mới xứng đáng là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của người nhân dân.
Ngày nay, yêu nước là yêu nền hòa bình, độc lập của đất nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu nước là làm cho “dân giàu”, “nước mạnh”; yêu nước là phải “trung với nước, hiếu với dân”. Chúng ta đều biết cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về mục tiêu của chủ nghĩa xã hội nước ta là: “Làm cho đời sống nhân dân ngày càng sung sướng, ăn no, mặc ấm, được học hành, ốm đau có thuốc”. Đây cũng là mục tiêu trước mắt và lâu dài của công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo. Có thể nói, tư tưởng đạo đức vì nước, vì dân, coi dân là gốc của nước, lấy việc phục vụ nhân dân là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mỗi thành viên trong cộng đồng là một tiêu chí cao nhất của con người mới mà chúng ta chỉ thấy trong chuẩn mực đạo đức của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng đạo đưc Hồ Chí Minh. Không phải ngẫu nhiên Hồ Chí Minh lại coi trọng vai trò của đạo đức và văn hóa như chúng ta đã thấy. Người ý thức rất rõ ràng, để có được phẩm chất đạo đức vì dân, coi dân là đối tượng phục vụ cao nhất không phải là việc dễ. trung với nước, hiếu với dân được Hồ Chí Minh xem là chuẩn mực cao quý nhất của con người mới. Bản thân người là hiện thân của tấm gương đạo đức mẫu mực đó.
c. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Cần, kiệm, liêm, chính và biểu hiện sinh động của trung với nước và hiếu với dân. Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua yêu nước, là cái nền để làm việc, làm cán bộ, để phụng sự đoàn thể, phụng sự nhân dân và Tổ quốc. Cần: là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai, là sáng tạo, có kế hoạch và năng suất cao... Kiệm: tiết kiệm vật tư, tiền bạc, của cải, thời gian, không xa xỉ, hoang phí. Liêm: trong sạch, không tham lam tiền của, địa vị, quyền hành, không tham ô, tham nhũng... Chính: là không tà, thẳng thắn, đúng đắn, trung thực. Các đức tính trên có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hồ Chí Minh viết:
"Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một tính thì không thành người".
Còn Chí công vô tư: trước hết phải nghĩ đến tập thể, đến Đảng, Tổ quốc và nhân dân; là đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết và trước hết, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.
Để xây dựng đạo đức mới, đi đôi với cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì chống lại chủ nghĩa cá nhân là việc làm rất cần thiết. Vì chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm của đạo đức cách mạng và xã hội chủ nghĩa, là thứ giặc nội xâm, giặc ở trong lòng, là bạn đồng minh của CNĐQ và thói quen truyền thống lạc hậu; là thứ vi trùng độc, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh, là trở lực trên con đường xây dựng CNXH. Nó đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm mà từ đó dễ dẫn đến sai lầm, thậm chí xóa đi niềm tin vinh quang, sự vĩ đại của một dân tộc, một Đảng, một con người. Hồ Chí Minh viết: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại và có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn làm được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Hồ Chí Minh nói: “Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch”.
Hiện nay, trong hệ thống chính trị của nước ta có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không thực hiện đúng bốn điều dạy đó, mắc vào chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Họ đã gây ra thiệt hại về kinh tế, chiếm đoạt tài sản cảu nhà nước và nhân dân, gây phiền hà cho nhân dân, gây mất đoàn kết nội bộ, đặc biệt là giảm sút niềm tin ở nhân dân. Đây thực sự là nguy cơ đối với Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị nói chung, mỗi cấp, mỗi ngành nói nói riêng cần có những giải pháp thiết thực, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn liền với cải cách hành chính, đấu tranh chống tham nhũng, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tạo điều kiện để nhân dân góp ý kiến phê bình cán bộ, đảng viên; biểu dương những cán bộ, đảng viên gương mẫu; xử lý kỉ luật theo xét xử theo điều lệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Như vậy, trong giai đoạn hiện nay xây dựng phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là yêu cầu và nhiệm vụ của mỗi người, vì đó là tinh thần lao động tích cực, siêng năng, làm hết sức mình, góp phần tạo thành động lực, sức mạnh quy tụ toàn dân tộc trở thành một dân tộc “giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.
d. Bồi dưỡng lối sống lành mạnh có văn hóa.
Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Văn hóa là bản chất đặc trưng chỉ có ở con người, con người thực sự trở thành người từ khi có văn hóa. Điều này ngày càng được nói nhiều và càng thấy rõ bản chất của con người gắn liền với bản chất văn hóa.
Bồi dưỡng lối sống có văn hóa trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết. Trước hết, để trở thành người có lối sống lành mạnh thì phải bồi dưỡng cho họ có tinh thần yêu lao động, tạo điệu kiên để hình thành thái độ tôn trọng, yêu lao động, tự giác bảo vệ thành quả lao động của bản thân và của người khác. Nhận thức rõ lao động là niềm vui, niềm hạnh phúc của bản thân, coi trọng cả lao động trí óc và lao động chân tay. Làm việc với niềm say mê, sự sáng tạo, tính tập thể, tinh thần tự giác, biết tiết kiệm và hiệu quả cao. Lao động chính là điều kiện, là môi trường tốt nhất để mỗi người tự rèn luyện mình, trở thành người sống tự tin, có hiểu biết, có trí thức, phẩm chất của người lao động mới.
Bồi dưỡng tính khiêm tốn thật thà, chính trực, luôn đấu tranh chống lại mọi thái độ kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang. Đó là tính xấu hay mắc phải do chưa từng trải, chưa được rèn luyện nhiều trong cuộc sống. Vì vậy, để khắc phục bệnh kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang, mỗi người phải luôn tự rèn luyện cho mình, luôn có thái độ khách quan khi xem xét, đánh giá mọi sự việc hiện tượng, tôn trọng sự thật, đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật, lên án cái xấu, cái ác. Phải thành thật nhận khuyết điểm để chống cái xấu phê phán thói kiêu ngạo, phô trương, xu nịnh, giả dối, không ngừng hình thành cho mình phẩm chất trung thực; đức tính khiêm tốn, có sức mạnh vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Lối sống lành mạnh có văn hóa luôn là mục tiêu để con người vươn tới. Chính vì vậy, chúng ta phải giáo dục lối sống có văn hóa, đồng thời tạo ta môi trường văn hóa lành mạnh để mọi người tham gia hoạt động, rèn luyện bản thân mình. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình giao lưu hội nhập kinh tế thế giới là sự du nhập của lối sống phương Tây và các loại văn hóa phẩm độc hại vào nước ta. Vì vậy, mỗi người phải thẳng thắn đấu tranh để loại bỏ những văn hóa độc hại đó, kiên quyết chống lại những ảnh hưởng xấu của lối sống phương Tây. Đồng thời phải rèn luyện, xây dựng cho mình lối sống mới, lối sống của con người mới xã hội chủ nghĩa, phục vụ hết mình cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.
Đối với thanh niên, Đảng phải tiếp tục đẩy mạnh cổ vũ, khuyến khích phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” để động viên thu hút thanh niên tham gia, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phải không ngừng đổi mới, phương pháp giáo dục, bên cạnh các phong trào như “Mùa hè xanh”, phong trào “Ánh sáng văn hóa hè”, phong trào “Tiếp sức mùa thi”,… thì cần phải phát động thêm nhiều phong trào mới, hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo thanh niên tham gia. Mặt khác, phải tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, tham gia các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về Bác Hồ, về chủ nghĩa Mác - Lênin, thông qua các buổi sinh hoạt, hội thảo, tham luận để tự xét lại bản thân và rút ra những kinh nghiệm, loại bỏ dần chủ nghĩa cá nhân, xây dựng một môi trường lao động, học tập, sinh hoạt lành mạnh trong sáng và văn minh, để cho những thói quen xấu do mặt trái của cơ chế thị trường không có điều kiện len lỏi và phát triển trong cuộc sống.
3. Kết luận
Dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử với những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, với những thử thách mất còn của đất nước, khi phải đương đầu với giặc ngoại xâm đã tạo cho mình một hệ thống giá trị đạo đức tốt đẹp mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, giáo dục đạo đức bao giờ cũng là nhiệm vụ quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của một dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha thân yêu của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã khai sinh ra nền đạo đức mới - nền đạo đức cách mạng. Đạo đức của Người là sự kết tinh những tinh hoa cao đẹp nhất của đạo đức truyền thống dân tộc và nhân loại đã được xây đắp qua hàng ngàn năm lịch sử nên chứa đựng những giá trị bền vững, trường tồn. Phẩm chất cao quý của Hồ Chủ tịch là trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, kiên định lập trường cách mạng, thắng không kiêu, khó khăn không nản, mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày, khiêm tốn, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thương yêu đồng bào, đồng chí hết mực. Hồ Chí Minh là hình mẫu một công dân “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy quyền không thể khuất phục”.
Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, vấn đề xây dựng đạo đức mới vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài trong chiến lược phát triển con người. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu hết sức nặng nề đối với mỗi người, đòi hỏi họ phải có những phẩm chất, đạo đức mới thì mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Vì vậy, công tác xây dựng đạo đức mới, đang góp phần đắc lực vào việc đào tạo ra thế hệ con người mới - con người xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện, “Vừa có đức, vừa có tài”, “Vừa hồng, vừa chuyên”, để xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa. Muốn có hiệu quả, chúng ta không chỉ trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức trên mọi phương diện mà còn phải phát triển sáng tạo, nhất là những nguyên tắc xây dựng đạo đức của Người cho phù hợp với yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam mà còn phù hợp với xu thế của thời đại.
Trong nhà trường ta hiện nay, công tác xây dựng và giáo dục đạo đức mới cho cán bộ, đảng viên nhất là thế hệ trẻ - sinh viên ngày càng cần được đẩy mạnh và cần phải được chú trọng về nội dung và hình thức nhằm nâng cao hơn nữa sự nghiệp trồng người của nhà trường. Đòi hỏi đội ngũ giảng viên không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp dạy học, tư cách phẩm chất đạo đức và các em học sinh, sinh viên luôn có ý thức học tập tốt, tu dưỡng phẩm chất cho mình, trau dồi tri thức cho mình được tiếp thu khi đang ngồi trên ghế nhà trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Hà Huy Giáp, Một vài suy nghĩ về đạo làm người của Hồ Chủ Tịch, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1969.                                                                                 
[2]. Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
[3]. Chủ tịch Hồ Chí Minh (tóm tắt tiểu sử và sự nghiệp), NXB Sự thật, Hà Nội, 1970.
[4]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn