Vai trò của Đoàn Thanh niên trong Cách mạng Tháng Tám 1945

Thứ hai - 21/03/2011 04:46

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Trong thành công ấy, của dân tộc, có những đóng góp to lớn của các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội. Trong đó giữ vai trò tiên phong, xung kích là thế hệ trẻ thông qua tổ chức của mình - Đoàn Thanh niên (TN).

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

 

Từ ngày thành lập cho đến khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Đoàn ta có các tên gọi khác nhau, giữ những nhiệm vụ chính trị khác nhau, song đều hướng tới một mục tiêu cao cả nhất -  vì độc lập dân tộc. Tương ứng với mỗi thời kỳ, Đoàn thanh niên có những đóng góp cực kỳ quan trọng, bám sát thực tiễn và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng mà Đảng giao cho.

Nhắc đến đóng góp của tuổi trẻ trong thành công của cách mạng tháng Tám 1945, trước tiên chúng ta phải nhắc đến công lao to lớn của người thanh niên Nguyễn Tất Thành sau này đổi tên là Nguyễn Ái Quốc - Người đã thực hiện cuộc hành trình hết sức quả cảm và gian lao tìm đường cứu nước, cứu dân... Trải qua hơn 10 năm bôn ba khắp năm châu, bốn bể, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, Nguyễn Ái Quốc đã mang ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin về xua tan bóng tối bao trùm lên con đường cách mạng Việt Nam trong suốt những năm đầu của thế kỷ XX. Với lý luận sắc bén, kinh nghiệm phong phú, tác phong cởi mở, Nguyễn Ái Quốc đã tạo nên niềm tin mạnh mẽ cho số thanh niên yêu nước và đưa họ đến với chân lý cách mạng.

Thứ hai, đó là vai trò của Đoàn trong việc tập hợp đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam Đoàn thanh niên cộng sản ra đời đảm nhận sứ mệnh lịch sử Đảng trao, qua 2 cuộc tổng diễn tập cách mạng để đến với thành công của cách mạng tháng Tám đã thể hiện được rõ vai trò này. Hàng nghìn thanh niên cảm tình với Đoàn được tập hợp trong các tổ chức như Sinh hội, Hội cứu tế, Hội thể dục thể thao... tạo thành đội ngũ nòng cốt đảm đương vai trò là lực lượng xung kích đi đầu trong cao trào cách mạng 1930- 1931 và cao trào cách mạng 1936- 1939. Phối hợp với tuổi trẻ Nghệ Tĩnh, tuổi trẻ cả nước ta trong thời gian này đã đẩy mạnh mọi mặt đấu tranh chống quân thù. Biết bao đoàn viên thanh niên cộng sản đã hy sinh anh dũng với tư thế hiên ngang trước họng súng của quân thù. Là anh Lý Tự Trọng trước toà án của kẻ thù đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi hoạt động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm. Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”; là anh Cao Xuân Quế, 17 tuổi, quê ở xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An), anh là một thanh niên rất hăng hái, kiên trung và quả cảm; là Lê Cảnh Nhượng, bí thư chi bộ Đoàn thanh niên cộng sản xã Phong Nẳm, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) gan dạ, kiên cường…

Song song với nhiệm vụ đấu tranh chính trị và văn hóa, Đoàn cũng giữ vai trò vô cùng to lớn trong việc xây dựng các đơn vị vũ trang và bán vũ trang. Các cơ sở Đoàn đã động viên nam nữ thanh niên ra sức luyện tập quân sự, tham gia các đội tự vệ, chiến đấu dũng cảm chống địch đàn áp, khủng bố, càn quét, bảo vệ căn cứ địa và cơ sở cách mạng. Tháng 8/1944, theo chủ trương của Đảng, Tổng bộ Việt Minh kêu gọi và phát động phong trào “Sắm vũ khí, đuổi thù chung”. Đoàn thanh niên Cứu quốc và các tổ chức cứu quốc trong Mặt trận Việt Nam đã nhiệt liệt hưởng ứng. Phong trào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị khởi nghĩa được Đoàn coi là nhiệm vụ hàng đầu của tất cả đoàn viên, thanh niên.

Để chuẩn bị xây dựng quân đội cách mạng của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân chính thức thành lập ở Cao Bằng.Trong số 34 chiến sĩ đầu tiên ấy, tuyệt đại bộ phận là đoàn viên và đảng viên trẻ tuổi trong đó có các đồng chí mới ở tuổi 17, 18 như đồng chí Liên, đồng chí Thế Hậu...

Trong Cách mạng Tháng 8, vai trò của Đoàn thể hiện rõ nét khi Đoàn Thanh niên trực tiếp tham gia và làm nên thành công của cuộc tổng khởi nghĩa Sau khi Nhật đảo chính Pháp, khắp cả nước đã dấy lên cao trào kháng Nhật. Ở Hà Nội, nếu cuối năm 1944 chỉ mới có một tổ chức tự vệ ở trường bay Gia Lâm gồm 3 đồng chí đoàn viên thanh niên cứu quốc, đến tháng 8/1945, toàn Thành đã có trên 1.000 đoàn viên và những thanh niên được Đoàn giáo dục tham gia các đội tự vệ, đội tuyên truyền xung phong và đội danh dự. Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu tổ chức nhiều cuộc mít tinh, huy động hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia ở xã Mễ Trì, Chợ Canh, làng Láng, v.v... Các tổ tuyên truyền xung phong của Đoàn đột nhập diễn thuyết tại các trường Gia Long, Kỹ Nghệ thực hành; nhà máy rượu... ở Chèm và dọc đường Bưởi các đội tự vệ thanh niên thường chặn các xe vận tải chở thóc, gạo của Nhật tịch thu và phân phát cho đồng bào nghèo.

Ở Huế, Đoàn Thanh niên Cứu quốc giữ vai trò nòng cốt trong các đội tự vệ và tuyên truyền xung phong - tổ chức Đoàn đã bắt mối được với các nhóm bảo an, tổ chức việc mua súng, lấy súng địch để trang bị cho lực lượng vũ trang của ta... nhiệm vụ trừng trị bọn ác ôn và bọn Việt gian ngoan cố của các đội tự vệ được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh và cổ vũ mạnh mẽ đã góp phần đẩy mạnh cao trào cách mạng trong cả tỉnh.

Ở Sài Gòn, các đội tự vệ, thanh niên xung phong cũng được hình thành nhanh chóng và thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên tham gia. Các đội tuyên truyền xung phong đã tuyên truyền sâu rộng trong thanh niên và nhân dân chương trình và Điều lệ của Mặt trận Việt Minh.

Đoàn Thanh niên Cứu quốc lúc này đã có lực lượng hùng hậu gần 30.000 đoàn viên và thanh niên cảm tình của Đoàn có mặt ở các trung tâm chính trị - kinh tế lớn của cả nước. Đây là đội quân xung kích giữ vai trò nòng cốt trong cao trào khởi nghĩa của quần chúng. ở tất cả các trọng điểm, hàng vạn thanh niên tự vệ, thanh niên xung phong dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đánh chiếm các huyện lỵ, tỉnh lỵ, trại lính, công sở của địch... Từ 14 đến ngày 18/8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi ở nhiều huyện trong khu giải phóng và một số tỉnh đồng bằng ở miền Bắc, một số tỉnh ở miền Trung, và ở các thị xã Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, thị xã Hội An (Quảng Nam)...

Chỉ trong vòng hơn 10 ngày đêm, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn từ Lạng Sơn đến Cà Mau. 25 triệu đồng bào cả nước đứng lên làm chủ vận mệnh Tổ quốc Việt Nam. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) trước cuộc mít tinh của một biển người, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử tuyên bố trước nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Trong cao trào giải phóng dân tộc mà đỉnh cao nhất là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Thám năm 1945, dưới ngọn cờ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã đóng vai trò to lớn trong tập hợp, đoàn kết, tổ chức tuổi trẻ cả nước góp phần xứng đáng vào thành công to lớn của cuộc Tổng khởi nghĩa. Đoàn thật sự là đội xung kích cách mạng, lực lượng tiên phong và hạt nhân tập hợp hàng triệu nam nữ thanh niên Việt Nam đứng lên cùng toàn dân đấu tranh kiên cường vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự lớn mạnh về mọi mặt của tổ chức Đoàn là điều kiện hết sức quan trọng để Đoàn tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò tiên phong cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay.

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn