Lịch sử 85 năm tổ chức Công đoàn Việt Nam

Chủ nhật - 20/07/2014 11:50
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kể từ khi thành lập đến nay, tổ chức Công đoàn luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và dân tộc, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động. Hướng đến kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 28/7/2014), nhằm giúp cán bộ đoàn viên Công đoàn, công nhân viên chức lao động và những người quan tâm tìm hiểu về tổ chức Công đoàn qua những chặng đường lịch sử; sứ mệnh của giai cấp công nhân; quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn;…
LỊCH SỬ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

I. TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

VIỆT NAM RA ĐỜI LÀ TẤT YẾU CỦA LỊCH SỬ PHONG TRÀO CÔNG NHÂN VIỆT NAM

Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I của thực dân Pháp (1897-1914) và nhanh chóng trưởng thành trong đợt khai thác thuộc địa lần thứ II (1919-1929). Do phải chịu hai tầng áp bức, bóc lột tàn bạo của chế độ thuộc địa nửa phong kiến nên đời sống giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta vô cùng cực khổ. Bởi vậy các cuộc đấu tranh của công nhân lao động ở các hầm mỏ, nhà máy, đồn điền đã liên tiếp nổ ra chống lại chế độ tư bản và bọn phong kiến. Ban đầu các cuộc đấu tranh còn diễn ra lẻ tẻ, mang tính tự phát, nhưng về sau đã có sự liên kết, có tính tổ chức chặt chẽ hơn.

Từ sự ra đời của phong trào và nhu cầu của cuộc đấu tranh, nhiều nơi đã thành lập những hội nghề, nghiệp đoàn, công hội. Tiêu biểu nhất là Công hội Ba Son (Sài Gòn - Gia Định) được thành lập năm 1920 do đồng chí Tôn Đức Thắng (sau này là Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đứng đầu. Tuy phạm vi hoạt động chỉ ở cơ sở, thời gian hoạt động không lâu (năm 1926 tự giải tán) nhưng Công hội Ba Son đã có ảnh hưởng lớn trong phong trào công nhân Nam Bộ, để lại một dấu ấn trong lịch sử hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Người đặt cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng cho việc thành lập Công đoàn Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1923 khi viết tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người đã nói: “…Việc cần thiết hiện nay là phát động một cuộc tuyên truyền để thành lập các tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có còn dưới hình thức phôi thai”.

Năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Người đã chỉ rõ tính chất, nhiệm vụ của Công hội là: “Tổ chức Công hội trước là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Đứng trước sự đòi hỏi và yêu cầu của phong trào công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, thành phố Hà Nội đã tiến hành Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ (tiền thân của Công đoàn Việt Nam). Tham dự Đại hội có đại biểu của tổng công hội các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, khu mỏ Đông Triều, Mạo Khê (Quảng Ninh).

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời Tổng Công hội Đỏ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu.

Đại hội thông qua Chính cương, Điều lệ, đồng thời quyết định ra Báo Lao Động (tiền thân của Báo Lao động ngày nay) và Tạp chí Công hội Đỏ (tiền thân của Tạp chí Lao động & Công đoàn ngày nay) làm cơ quan ngôn luận và nghiên cứu lý luận của Công hội Đỏ.

II. TÊN GỌI CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

1. Công hội Đỏ (1929-1935)

2. Nghiệp đoàn Ái hữu (1936-1939)

3. Hội Công nhân Phản đế (1939-1941)

4. Hội Công nhân Cứu quốc (1941-1946)

5. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946-1961)

6. Tổng Công đoàn Việt Nam (1961-1988)

7. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1988 đến nay)

Dù trải qua nhiều lần đổi tên, nhưng bản chất, nguyên tắc tổ chức của Công đoàn Việt Nam vẫn không thay đổi.

III. CÁC KỲ ĐẠI HỘI CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

Trải qua 84 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tiến hành được 10 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội đều đề ra mục tiêu, khẩu hiệu hành động phù hợp với đặc điểm, tình hình, bối cảnh lịch sử của thời kỳ cách mạng đó.

1. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I

Họp từ ngày 1/1/1950 đến ngày 15/1/1950 tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Về dự Đại hội có trên 200 đại biểu cho CNVC-NLĐ cả nước.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa I gồm 21 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng thư ký.

Mục tiêu của Đại hội: “Động viên công nhân viên chức cả nước, nhất là công nhân ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi”.

2. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II

Họp từ ngày 23/2/1961 đến ngày 27/2/1961 tại Trường Thương nghiệp, Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 752 đại biểu đại diện cho CNVC-NLĐ. Đại hội đã quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam khóa II gồm 55 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch và đồng chí Trần Danh Tuyên đã được bầu làm Tổng thư ký.

Mục tiêu của Đại hội: Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất, xây dựng CNXH ở miền Bắc, với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà.

3. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III

Họp từ ngày 11/2/1974 đến ngày 14/2/1974 tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, về dự Đại hội có 600 đại biểu đại diện cho CNVC-NLĐ cả nước.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 1974-1978 gồm 71 ủy viên. Đoàn Chủ tịch gồm 21 ủy viên, Ban Thư ký gồm 9 ủy viên. Đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được bầu làm Chủ tịch danh dự. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Các đồng chí Nguyễn Công Hòa, Trương Thị Mỹ được bầu làm Phó chủ tịch.

Mục tiêu của Đại hội: “Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.

4. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV

Họp từ ngày 8/5/1978 đến ngày 11/5/1978 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 962 đại biểu đại diện cho CNVC-NLĐ cả nước.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 1978-1983 gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 12 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký.

Mục tiêu của Đại hội: “Động viên giai cấp công nhân và những người lao động khác thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước”.

5. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V

Họp từ ngày 16/11/1983 đến ngày 18/11/1983 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 949 đại biểu đại diện cho CNVC-NLĐ cả nước.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 1983-1988 gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 13 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Tháng 2/1987 đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Vũ Định được bầu làm Phó chủ tịch, đồng chí Dương Xuân An được bầu làm Tổng thư ký.

Mục tiêu Đại hội: “Động viên công nhân lao động thực hiện ba chương trình lớn của Đảng. Phát triển nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu”.

6. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI

Họp từ ngày 17/10/1988 đến ngày 20/10/1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 834 đại biểu đại diện cho CNVC-NLĐ cả nước. Đại hội đã đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 1988-1993 gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tư được bầu làm Chủ tịch, các đồng chí Dương Xuân An, Cù Thị Hậu được bầu làm Phó chủ tịch.

Mục tiêu của Đại hội: “Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vì “việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội”.

7. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VII

Họp từ ngày 9/11/1993 đến ngày 12/11/1993 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có hơn 600 đại biểu đại diện cho CNVC-NLĐ cả nước.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 1993-1998 gồm 125 ủy viên, Đoàn Chủ tịch gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tư được bầu làm Chủ tịch, các đồng chí Cù Thị Hậu, Hoàng Minh Chúc, Nguyễn An Lương, Hoàng Thị Khánh được bầu làm Phó chủ tịch.

Mục tiêu của Đại hội: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân lao động”.

8. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII

Họp từ ngày 3/11/1998 đến ngày 6/11/1998 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội. Dự Đại hội có 897 đại biểu đại diện cho CNVC-NLĐ cả nước.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 1998-2003 gồm 145 ủy viên, Đoàn Chủ tịch gồm 17 ủy viên. Đồng chí Cù Thị Hậu được bầu làm Chủ tịch, các đồng chí Nguyễn An Lương, Đặng Ngọc Chiến, Đỗ Đức Ngọ, Nguyễn Đình Thắng được bầu làm Phó chủ tịch.

Mục tiêu của Đại hội: “Xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển về số lượng và chất lượng, làm nòng cốt trong việc xây dựng khối liên minh vững chắc với nông dân và trí thức; ra sức phát triển đoàn viên trong các thành phần kinh tế, tiếp tục xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, nâng cao trình độ cán bộ công đoàn, tham gia xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan đến CNVC-NLĐ chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-NLĐ; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi, động viên CNVC-NLĐ phát huy nội lực phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” theo con đường xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội đề ra khẩu hiệu hành động: “Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh”.

9. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX

Họp từ ngày 10/10/2003 đến ngày 13/10/2003 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội. Dự Đại hội 900 đại biểu đại diện cho CNVC-NLĐ cả nước.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2003-2008 gồm 150 ủy viên, Đoàn Chủ tịch gồm 19 ủy viên. Đồng chí Cù Thị Hậu được bầu làm Chủ tịch, các đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Đình Thắng, Đỗ Đức Ngọ, Đặng Ngọc Chiến được bầu làm Phó chủ tịch.

Tháng 12/2006, đồng chí Đặng Ngọc Tùng được bầu làm Chủ tịch. Tháng 9/2007, các đồng chí Hoàng Ngọc Thanh, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng được bầu làm Phó chủ tịch.

Mục tiêu của Đại hội: “Xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và vai trò lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới; củng cố và phát triển sâu rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, thiết thực và có hiệu quả trong CNVC-NLĐ; tham gia quản lý, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-NLĐ; đẩy mạnh phát triển đoàn viên và tổ chức Công đoàn trong các thành phần kinh tế; nâng cao năng lực và trình độ cán bộ công đoàn; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại hội đề ra khẩu hiệu hành động: “Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-NLĐ, góp phần tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

10. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X

Đại hội X Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 2/11/2008 đến ngày 5/11/2008 tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 985 đại biểu đại diện cho CNVC-NLĐ cả nước. Đại hội đã được đồng chí Nông Đức Mạnh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng trao tặng bức trướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: “Công đoàn Việt Nam đổi mới, sáng tạo; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, CNVC-NLĐ; vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X (2008-2013) gồm 160 đồng chí. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng được bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Hoàng Ngọc Thanh, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng được bầu làm Phó chủ tịch.

Mục tiêu Đại hội: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp; hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, CNVC-NLĐ làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Đại hội đề ra khẩu hiệu hành động: “Công đoàn Việt Nam đổi mới, sáng tạo; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, công nhân, viên chức lao động; vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước”. 8 nhóm chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ X với các chương trình hành động cụ thể cũng đã được thông qua.

11. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI họp từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 7 năm 2013, tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội vinh dự được đón:

- Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Đồng chí Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

- Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

- Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

- Cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng.

Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, đại hội đã thảo luận và quyết nghị:

1. Thông qua các Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá X tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI.

2. Thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi.

3. Đại hội giao cho Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XI tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn chỉnh các văn kiện và chính thức ban hành.

4. Đại hội giao cho Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XI xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ đã được thông qua.

Đại hội kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chúc, công nhân, lao động cả nước phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam; nêu cao tinh thần đoàn kết nhất trí, năng động và sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc