Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

https://qui.edu.vn


Đẩy mạnh hoạt động hội giảng trong đào tạo theo học chế tín chỉ

Đẩy mạnh hoạt động hội giảng trong đào tạo theo học chế tín chỉ
Năm học 2011-2012, là năm học đầu tiên Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh thay đổi phương thức đào tạo đối với bậc đại học khóa 4 và cao đẳng khóa 21 chính quy, từ phương thức đào tạo theo Học chế niên chế (HCNC) sang phương thức đào tạo theo Học chế tín chỉ (HCTC). Đây thực sự là một thay đổi mang tính toàn diện: Thay đổi về cơ cấu tổ chức; thay đổi về năng lực, chất lượng đào tạo; thay đổi về quy trình nghiệp vụ; thay đổi về cách thức ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đào tạo và quản lý đào tạo theo HCTC. Vì là phương thức đào tạo mới, nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu trong quá trình triển khai thực hiện. Sau đây là một vài trao đổi về phương thức đào tạo theo HCTC, tổ chức Hội giảng và kết quả đào tạo bước đầu đạt được trong năm học 2011-2012 tại Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh.

*. Đôi nét về phương thức đào tạo theo HCTC
 Như chúng ta đã biết: Đào tạo theo hệ thống tín chỉ hay gọi là hình thức tích lũy tín chỉ (HCTC) là phương thức đào tạo tiên tiến, được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu của ngành giáo dục và đào tạo. Hiện nay, tại các trường đại học ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước châu Âu, người ta nói nhiều về HCTC và đang cố gắng đưa HCTC vào nhiều trường đại học. Chủ trương của Bộ giáo dục và Đào tạo là đến năm 2014: Tất cả các trường Đại học và Cao đẳng sẽ chuyển đổi sang phương thức đào tạo theo HCTC.
Việc áp dụng phương thức đào tạo theo HCTC chỉ thành công khi: Đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo để đạt được hiệu quả tối ưu; đồng thời giảm lãng phí xã hội trong dịch vụ đào tạo, tạo điều kiện cho người học chủ động trong lựa chọn dịch vụ đào tạo, từ đó áp dụng một cách tốt nhất nhu cầu sử dụng dịch vụ này một cách đa dạng, linh hoạt đối với người học cũng như toàn xã hội. Mục đích quan trọng nhất của phương pháp đào tạo theo HCTC là nhằm cung cấp cho xã hội dịch vụ đào tạo bậc đại học và sau đại học có chất lượng và hiệu quả tốt nhất, trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế sâu  rộng và toàn diện.
*. Việc chuyển đổi đào tạo sang HCTC tại Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh
Thực tế khi thực hiện triển khai, Trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh gặp  không ít những khó khăn, thách thức; một số trường đại học, cao đẳng đã áp dụng phương thức đào tạo này có nguy cơ đổ bể (Điển hình như ĐH Mỏ Địa chất, sau 1 năm đào tạo theo HCTC, gần 1000 SV có nguy cơ phải nghỉ học, chiếm gần 30% chỉ tiêu tuyển sinh/năm học). Tuy nhiên, với sự nỗ lực quyết tâm của Đảng ủy, BGH và các đoàn thể quần chúng: Công Đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, và toàn thể Cán bộ, Công chức - Viên chức trong toàn trường, trong học kỳ I, bước đầu thực hiện đã đạt được mục tiêu đề ra. Để đáp ứng về cơ sở vật chất cho phương thức đào tạo theo HCTC, nhà trường đã tiến hành cải tạo một số các phòng học: từ 50 sv thành 100 đến 130 SV, có phòng đạt tới 200 SV; Bổ sung hệ thống các trang thiết bị chuyên dùng cho phòng học như: Loa máy, âm thanh, ánh sáng, máy vi tính,…tổng số tiền đầu tư lên đến 5 tỷ đồng; Để rút kinh nghiệm từ thực tế các trường đã đào tạo theo hình thức này, nhà trường tổ chức cho 120 lượt Cán bộ quản lý quá trình đào tạo, các bộ phận nghiệp vụ… đi  tập huấn thăm quan các trường tại Hà Nội; Ngoài ra, Nhà trường còn xây dựng và hoàn thiện một số nội dung chương trình đào tạo từ HCNC sang HCTC, cụ thể:
            + Trình độ Đại học: 9 ngành, chuyên ngành đào tạo.
            + Trình độ Cao đẳng: 17 ngành, chuyên ngành đào tạo.
+ Xây dựng chỉnh sửa được 725 chương trình chi tiết cho đào tạo tín chỉ.
*. Vai trò của Hội giảng trong tổ chức đào tạo theo HCTC
Bên cạnh việc đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giảng dạy, tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý phục vụ cho quá trình “Tổ chức đào tạo”, vấn đề Hội giảng được nhà trường quan tâm và xác định Hội giảng có vai trò quan trọng, thiết thực trong đào tạo theo HCTC. Trong năm học 2011-2012, nhà trường đã chỉ đạo các Khoa - Bộ môn đào tạo, phối hợp với các đoàn thể quần chúng, tổ chức tốt Hội giảng cấp trường nhân các ngày lễ lớn 20/10, 20/11, 8/3 , 30/4, 1/5 và 19/5; Cụ thể trong học kỳ I, Nhà trường tổ chức được 39 Hội giảng, trong đó xếp loại Xuất sắc: 10; loại Giỏi: 29;  sau những đợt Hội giảng, Nhà trường tổ chức họp tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm ra những ưu điểm, tích cực trong công tác giảng dạy, đồng thời nhân rộng các phương pháp giảng dạy hay, tích cực làm cơ sở để nâng cao chất lượng dạy và học trong toàn trường. Ngoài ra, nhà trường còn chỉ đạo các Khoa, Bộ môn tổ chức dự giờ 34 giảng viên của các bộ môn;
*. Kết quả đạt được
            Thông qua quá trình đào tạo, nội dung của phương thức đào tạo nói chung và phương thức đào tạo theo HCTC nói riêng đều có thể khái quát thành 3 khâu cơ bản như sau:
1.      Tổ chức đào tạo;
2.      Kiểm tra và thi kết thúc học phần;
3.      Xét và công nhận tốt nghiệp;
Trong 3 khâu cơ bản nêu trên, sự khác nhau giữa phương thức đào tạo theo HCNC và đào tạo theo HCTC tập trung chủ yếu ở khâu thứ nhất là “Tổ chức đào tạo”. Đây là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với 2 khâu còn lại; vì vậy, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh xác định: việc chuyển đối phương thức đào tạo theo HCTC phải tập trung trước hết vào khâu “Tổ chức đào tạo”, mà trọng tâm là đổi mới phương pháp giảng dạy theo HCTC.
Yêu cầu chung của việc chuyển đổi sang phương thức đào tạo theo HCTC là phải đảm bảo tính đồng bộ giữa các khâu, đồng thời phải đảm bảo sự đồng bộ quyết tâm thực hiện của nhà trường, với sự nhận thức và kỹ năng thực hiện của sinh viên cũng như với cơ sở vật chất như: hệ thống giảng đường, học liệu, trang thiết bị mạng liên quan đến việc tổ chức và quản lý đào tạo. Đào tạo theo HCTC thực sự phát huy tác dụng khi đạt được sự đồng bộ giữa các mặt đó. Đương nhiên, đào tạo theo HCTC cần phải có sự đầu tư nhiều hơn về trí tuệ, về cơ sở vật chất so với đào tạo theo HCNC; việc Lãnh đạo nhà trường có quyết tâm thực hiện đào tạo theo HCTC, nhưng mỗi Giảng viên, Công chức - Viên chức phục vụ không có đủ kỹ năng chuyên nghiệp cần thiết để thực hiện quá trình quản lý đào tạo; người học chưa thật sự hiểu rõ và chưa thật sự chủ động thực hiện các công việc liên quan…thì rất khó nói đến thành công khi áp dụng phương pháp đào tạo tiên tiến này.
Từ chủ trương đến chỉ đạo triển khai thực hiện, trong năm học 2011-2012, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, cùng với sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị chức năng và các đoàn thể quần chúng: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và đặc biệt với sự quyết tâm của mỗi thầy giáo, cô giáo; mỗi Cán bộ, Công chức - Viên chức và toàn thể học sinh - sinh viên trong toàn trường, bước đầu đã đạt được kết quả tương đối khả quan về học tập:
+ Tỷ lệ Học sinh-sinh viên Xuất sắc:  4,28%
+ Tỷ lệ Học sinh-sinh viên Giỏi:         16,52%
+ Tỷ lệ Học sinh-sinh viên Khá:          28,61%
+ Tỷ lệ Học sinh-sinh viên TBK:         28,78%
+ Tỷ lệ Học sinh-sinh viên TB:            21,3%
+ Tỷ lệ Học sinh-sinh viên Yếu, Kém:  12,56%
Thông qua kết quả học tập nêu trên, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao trong công tác chỉ đạo và điều hành của Đảng ủy và Ban giám hiệu nhà trường; thể hiện sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị Phòng, Ban chức năng với các Khoa - Bộ môn đào tạo trên các lĩnh vực công tác như: Tuyển sinh, đào tạo, quản lý và phục vụ đào tạo; công tác kiểm định chất lượng giáo dục; Công tác Nghiên cứu khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế; công tác kế hoạch tài chính; công tác xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo; công tác học sinh - sinh viên và công tác thanh tra, kiểm tra…
*. Kết luận
Chuyển đổi phương thức đào tạo theo HCTC là chủ trương chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, là hoạt động đổi mới quản lý giáo dục được các trường Đại học, Cao đẳng đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít những khó khăn. Để tổ chức đào tạo theo HCTC thành công, cần có sự đồng thuận và quyết tâm cao của tất cả các thành viên trong trường, trong đó đội ngũ giảng viên đóng vai trò quan trọng với việc tổ chức giảng dạy, với đổi mới phương pháp giảng dạy. Hoạt động Hội giảng có ý nghĩa quan trọng, với mục tiêu là đổi mới phương pháp, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, góp ý hoàn thiện, tạo dựng phong trào rộng khắp, nâng cao ý thức, năng lực giảng dạy của giảng viên. Cần thường xuyên tổ chức Hội giảng theo tiến trình tổ chức đào tạo theo HCTC, tạo dựng phong trào sâu rộng trong tất cả các bộ môn... Triển khai tốt hoạt động Hội giảng, sẽ là động lực tích cực để đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo theo HCTC tại trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh./