Nghị quyết về việc đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo đến năm 2015

Thứ sáu - 14/03/2014 04:46
I. Tình hình chung Trong những năm qua, hoạt động phát triển giáo dục đào tạo của Nhà trường tiếp tục đạt kết quả khá toàn diện; Quy mô đào tạo được ổn định, ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người học; Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý từng bước được bổ sung về số lượng và chuẩn hóa về trình độ; Môi trường giáo dục được cải thiện; Tỷ lệ HS-SV các trình độ tốt nghiệp, ra trường hàng năm tăng lên; Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập được đầu tư và phát triển mở rộng. Đạt được những kết quả nêu trên là do các cấp uỷ đảng, chính quyền và đoàn thể Nhà trường đã thực hiện tốt chương trình đổi mới quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo cho từng giai đoạn; Tổ chức tốt việc chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ;
Đội ngũ Nhà giáo, cán bộ quản lý nỗ lực, tâm huyết, quyết tâm đổi mới phương pháp dạy học. Truyền thống đào tạo của Nhà trường tiếp tục được kế thừa và phát huy. Mặc dù đã đạt được những kết quả lớn, song so với yêu cầu,  với tình hình chung của ngành giáo dục nước Nhà thì chất lượng đào tạo của Trường còn nhiều hạn chế; Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên còn thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ quản lý; đặc biệt là cán bộ giảng viên có trình độ chuyên môn cao lại càng thiếu cho một số ngành đang đào tạo , cho mở ngành mới và duy trì ngành; vẫn còn một số cán bộ, giảng viên chưa thường xuyên chăm lo rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy. Một bộ phận học sinh, sinh viên thiếu cố gắng tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu cho bản thân ( Tỷ lệ học sinh sinh viên yếu kém những năm gần đây chiếm từ 5% đến 10 % tổng số học sinh sinh viên có mặt cùng kỳ; tỷ lệ học sinh sinh viên hao hụt chiếm từ 6% đến 10% tổng số học sinh sinh viên có mặt cùng kỳ). Cơ sở vật chất thực hành thí nghiệm , phương tiện, điều kiện nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên, HS-SV còn thiếu nhiều và chưa đồng bộ; tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu của những khuyết điểm, hạn chế nêu trên là do: Mức độ đầu tư hàng năm cho công tác thực hành thí nghiệm chưa đáp ứng kịp thời so với đòi hỏi của thực tế đào tạo. Tốc độ triển khai một số chủ trương, chính sách về giáo dục còn chậm; Phân cấp quản lý một số vị trí không còn phù hợp; các cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiệu quả phối hợp quản lý giữa nhà trường , gia đình và xã hội chưa cao. Phương pháp quản lý, giáo dục đạo đức HS-SV còn nặng về hình thức, thiếu đổi mới.

II. Quan điểm chỉ đạo , mục tiêu
1. Quan điểm chỉ đạo
- Đổi mới quản lý là nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển bền vững, ổn định của Nhà trường, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên trong toàn trường nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương và đất nước.
- Tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực cho phát triển ổn định về qui mô đào tạo, tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng đào tạo ở tất cả các trình độ, ngành học; ưu tiên những ngành có thế mạnh để đầu tư có trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Để đảm bảo có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng đào tạo, trước tiên phải đổi mới quản lý từ cấp lãnh đạo; sự chỉ đạo của các phòng, khoa, ban, trung tâm cho đến các cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm trong hoạt động dạy và học ; sự phối hợp hoạt động của đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên trong toàn trường.
2. Mục tiêu
Mục tiêu chung là : Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quản lý dạy và học tích cực của đội ngũ cán bộ giảng dạy và học sinh - sinh viên;  xây dựng môi trường giáo dục đại học hội nhập , chất lượng, hiệu quả hơn.
Mục tiêu cụ thể là : Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức đủ số lượng, cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, đạo đức. Tăng cường có trọng điểm cơ sở vật chất đào tạo đảm bảo đủ các điều kiện cho dạy và học của tất cả các loại hình, các bậc, các ngành nghề đào tạo. Giáo dục HS-SV phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, đáp ứng xu thế hội nhập, phát triển của đất nước.  Phát triển hợp lý, cân đối các ngành, nghề đào tạo ở các trình độ; đảm bảo thực hiện đúng chương trình đào tạo về tỉ lệ thời lượng thực hành với lý thuyết. Gắn hoạt động giảng dạy với nhu cầu sử dụng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
III.  Nhiệm vụ và giải pháp
1. Phổ biến, quán triệt sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Đảng;  Đặc biệt là quán triệt và xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ; vị trí và tầm quan trọng của việc đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo trong Nhà trường nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể đối với nhiệm vụ quản lý đào tạo trong tình hình mới.
2. Hoàn thiện, rà soát lại bộ máy tổ chức cho phù hợp với qui mô đào tạo. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh chức năng , nhiệm vụ của các đơn vị; qui chế nội bộ theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho các phòng, ban, khoa, bộ môn trong công tác quản lý và tổ chức đào tạo của Nhà trường. Rà soát, xây dựng hệ thống văn bản theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho các phòng ban, trung tâm, khoa, bộ môn trong công tác quản lý và hoạt động tổ chức đào tạo.
3. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ Nhà giáo tâm đức, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ; nhất là trưởng các bộ môn. Làm tốt công tác rà soát quy hoạch và bồi dưỡng sau quy hoạch cán bộ; coi trọng bồi dưỡng cán bộ với hình thức bồi dưỡng ngắn hạn và tự bồi dưỡng. Bổ nhiệm cán bộ quản lý kịp thời. Xây dựng những Tập thể, Cá nhân điển hình làm đầu đàn trong các hoạt động xây dựng và phát triển tại mỗi đơn vị và toàn Trường.
4. Xây dựng, bổ sung CSVC đào tạo hợp lý, kịp thời; Xây dựng môi trường sống và học tập trong Nhà trường thân thiện, trong sạch; Xây dựng cơ chế, mô hình hoạt động phát triển theo hướng xã hội hóa (Tăng cường đầu tư xây dựng mở rộng mới KTX đảm bảo cho đa số HS-SV được ở trong KTX ; cải tạo, nâng cấp sửa chữa, các công trình phục vụ cho các hoạt động thể dục thể thao tạo ra các khu hoạt động ngoại khóa lành mạnh cho HS-SV và góp phần hạn chế các tiêu cực, tệ nạn học đường tác động vào học sinh, sinh viên; Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ : tài liệu học tập, ăn ở, sinh hoạt … phục vụ kịp thời và thuận lợi cho HS-SV ).
5. Tổ chức các hoạt động đào tạo theo quy chế, linh hoạt, có những điều chỉnh kịp thời trong điều kiện chuyển giao hình thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ. Giữ vững và tăng cường mối quan hệ hợp tác đào tạo, NCKH với các cơ sở sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu thực hành, thực tập theo mục tiêu đào tạo; Đổi mới công tác thi, kiểm tra , đánh giá kết quả học tập.Tăng cường hoạt động dự giờ hội giảng các cấp. Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra nền nếp giảng dạy tại học đường; hồ sơ tài liệu giảng dạy. Phát động các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt thiết thực và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong đội ngũ giảng viên , HS-SV. Từng bước nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra của các trình độ đào tạo, đáp ứng linh hoạt cung cấp nguồn  nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động.
6. Đổi mới công tác giáo dục học sinh sinh viên ; mô hình hoạt động quản lý học sinh sinh viên phải được xây dựng và ban hành phù hợp với tình hình mới. Làm tốt công tác phối hợp giáo dục HSSV từ các cấp chính quyền và các đoàn thể. Xây dựng môi trường học đường lành mạnh, kiên quyết đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong học đường.  
7. Tăng cường tổ chức các hoạt động sơ kết, tổng kết chất lượng, kịp thời;  từ đó rút ra các bài học rút kinh nghiệm cho các học kỳ đào tạo tiếp theo của Nhà trường.
8. Xây dựng chương trình hành động về đổi mới hoạt động phát triển giáo dục đào tạo Nhà trường , thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt nam . Phát động các phong trào thi đua trong giảng dạy và học tập gắn với việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm trong toàn Trường.
 
 
IV. Tổ chức thực hiện
          1. Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo các đơn vị trong toàn trường triển khai xây dựng kế hoạch và chương trình hành động của đơn vị nhằm thực hiện hiệu quả về đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo theo đúng tinh thần của Nghị quyết .
2. Giao Ban Tuyên giáo đảng ủy chủ trì phối hợp với chính quyền và các đoàn thể quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết đến  toàn thể đảng viên và phổ biến đến mọi cán bộ giảng viên, công nhân viên trong toàn trường.
3. Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Nhà trường theo dõi, chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ .
 
        Nơi nhận:
        - Ủy viên BCH  Đảng ủy
        - Bí thư các chi bộ
        - Lưu: VPĐU
 T/M ĐẢNG BỘ
 BÍ THƯ
 
 
 
 
        HOÀNG VĂN KHÁNH
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn