Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

https://qui.edu.vn


Dạy xác suất từ lớp 2 để môn Toán gần gũi hơn với cuộc sống

“Với chương trình mới thì xác suất, thống kê sẽ được dạy từ lớp 2. Điều này không có nghĩa là lôi chương trình từ lớp 11 để dạy cho lớp 2 mà đó là tên của mạch kiến thức. Có những kiến thức đòi hỏi một tiến trình dạy cũng như có quá trình để học sinh trải nghiệm”.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam, giảng viên trường ĐH Sài Gòn, thành viên Ban soạn thảo chương trình Giáo dục phổ thông mới môn toán, chia sẻ như trên tại hội thảo “Xu hướng giáo dục trên thế giới và Việt Nam” diễn ra tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM chiều 9/11.

Buổi hội thảo thu hút đông đảo những người làm giáo dục tham dự và góp phần giải quyết những thắc mắc cũng như cùng chia sẻ để triển khai hiệu quả chương trình mới và nâng cao hiệu quả và trải nghiệm dạy và học.

Vì sao sách toán Việt Nam mỏng lại rất “nặng”?

Trong phần trình bài của mình, Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam điểm qua các hạn chế của chương trình hiện hành như chú trọng truyền đạt kiến thức, cách phân bổ nội dung chưa hợp lý, quảng đại. “Có thể thấy một số nội dung như học thử lớp 9 lại được đưa lên lớp 10 phải học lại, có những kiến thức lại đưa vào dạy sớm quá nên mang tính đánh đố học sinh. Ngoài ra, tính liên thông giữa các cấp học cũng không được liên tục”, ông Nam chia sẻ.

Ông Nam cũng chỉ ra những hạn chế ở việc tổ chức dạy học. “Học sinh thường được yêu cầu làm những bài tập mang tính phức hợp, trong khi đó kỹ năng cơ bản lại chưa được tốt. Đồng thời cũng chưa coi trọng việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Đây cũng là một trong các yếu tố được cho là chương trình giáo dục hiện hành bị nặng”.

Cầm 2 quyển sách giáo khoa môn toán lên, trong khi sách của Mỹ to dày và nặng có thể “tập tạ”, trong khi sách toán của Việt Nam lại mỏng nhưng chương trình bị xem là “nặng”. Thực ra nó nặng là do cách tổ chức giảng dạy chưa tốt cộng thêm nội dung của sách thiếu nội dung trải nghiệm khiến học sinh cảm thấy môn Toán khó hiểu.

Chương trình “nặng” vì có những nội dung tìm ẩn khiến giáo viên khai thác quá sâu, tăng nặng thêm bằng cách ra các bài tập thiên về kỹ thuật, mẹo tính toán khiến học sinh khó học. Do đó, chương trình mới sẽ ưu tiên tính thiết thực, tăng tính ứng dụng trong thực tế và chú trọng tính hiện đại.

Không “lôi” xác suất ở lớp 11 để dạy học sinh lớp 2

Nội dung chương trình mới có tăng lên một chút như xác suất thống kê. Trước những phản hồi gần đây liên quan đến vấn đề này, ông Nam dành thời gian chia sẻ sâu hơn vấn đề này.
 

“Xác suất, thống kê là cái đi vào đời sống nhiều nhất. Nhiều người cho rằng đây là những nội dung khó, trừu tượng lí do vì chương trình hiện hành xác suất chỉ được dạy vào năm lớp 11, còn thống kê cũng được học rãi rác từ tiểu học, lớp 7, lớp 10. Với chương trình mới thì xác suất, thống kê sẽ được dạy từ lớp 2. Điều này không có nghĩa là lôi chương trình từ lớp 11 để dạy cho lớp 2 mà đó là tên của mạch kiến thức. Có những kiến thức đòi hỏi một tiến trình dạy cũng như có quá trình để học sinh trải nghiệm”, ông Nam giải thích.

TS Nam chia sẻ thêm, với các em lớp 2 thì học những khái niệm cơ bản của xác suất như “chắc chắn” hay “không chắc chắn”. Ví dụ, trời đang mưa khi ra ngoài trời thì chắn chắn bị ướt hay 100% bị ướt. Xác suất chỉ trả lời những câu hỏi đó chứ không phải là những bài tính toán to tác như lớp 11. Đồng thời, không chỉ học ở lớp 2, mà lớp 3, 4 và các bậc học cao hơn cũng phải có tính liên tục, không làm đứt mạch mà học sinh lĩnh hội.

Chương trình toán phải làm sao khơi nguồn sáng tạo cho học sinh, thông qua các hoạt động trải nghiệm. Ban soạn thảo cũng đặt ra các nội dung thực hành phần mềm toán học. Nhờ phần mềm này học sinh có thể làm được nhiều thứ chẳng hạn như làm mô hình giàn giáo thông minh kiểu Nhật, hoặc có thể thiết kể hoa văn trên viên gạch bông…Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất của các trường ở các địa phương cũng không đồng đều, vì vậy tính mở của chương trình cũng phải ưu tiên hơn.

Học toán để giải câu hỏi vì sao “Grab lấn át taxi truyền thống”

Cũng theo ông Nam, chương trình hiện hành theo quan điểm tiếp cận nội dung nhằm trả lời câu hỏi “muốn học sinh biết gì?” và chúng ta quan điểm những em nào tiếp thu nhiều đơn vị kiến thức là giỏi, và cố gắng dạy thật nhiều kiến thức, thật nhiều nội dung. Do đó dẫn đến tình trạng bất cập khi có những em toàn điểm 10 môn Lý nhưng không biết mắc một bảng điện, hay toán đầy mình nhưng đưa ra một bản đồ hoặc hình ảnh bảo ước lượng diện tích vùng đó bao nhiêu thì các em không tính được.
 

Trong khi chương trình mới sẽ nhấn mạnh việc phát triển năng lực và chúng ta dạy để trả lời câu học muốn học sinh “làm được gì?”. Do đó, mỗi môn học phải xác định được mỗi năng lực mà học sinh cần đạt được. Yêu cầu năng lực toán học của chương trình mới gồm 5 thành tố: tư duy lập luận toán học, giao tiếp toán học (chuyển đổi ngôn ngữ đại số sang đô thị…), mô hình hoá toán học, năng lực sử dụng công cụ phương thức học toán.

TS Nam cho biết, ở chương trình Toán tiểu học, bốn mạch lõi kiến thức cốt lõi gồm số học, đại lượng và đo đại lượng, các yếu tố hình học, giải toán. Mạch giải toán tích hợp vào 3 mạch kiến thức còn lại thông qua hoạt động thực hành giải quyết vấn đề.

Chương trình sẽ chú trọng rèn luyện những kỹ năng tính nhẩm căn bản, giảm độ khó của kỹ thuật tính viết. Chẳng hạn ở lớp 4 chỉ yêu cầu học sinh thực hiện được phép chia cho số đó có không quá hai chữ số. Chương trình tiểu học tăng cường thực hành luyện tập và ứng dụng toán học vào thực tiễn.

Ở chương trình môn Toán trung học, mức độ phức tạp trong giải phương trình, bất phương trình, nội dung phương pháp toạ độ trong hình học sẽ giảm tải. Chương trình nhấn mạnh việc đọc, vẽ, tưởng tượng, tạo dựng trong hình học không gian, tăng cường thực hành luyện tập và ứng dụng toán học vào thực tiễn.

"Nội dung số phức không được đưa vào chương trình. Các chuyên đề học tập ở mỗi lớp có nội dung giáo dục dành cho những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần sử dụng nhiều kiến thức toán học", ông Phạm Sỹ Nam cho biết thêm.

Trong hội thảo, tiến sĩ này khẳng định chương trình mới sẽ gắn toán học với cuộc sống. Ông Nam dẫn chứng bằng cách đặt ra 2 câu hỏi từ thực tế rằng tại sao vỏ lon bia có dạng hình trụ mà không dùng hình cầu, hình vuông… và vì sao Grab lấn át taxi truyền thống và khẳng định kiến thức toán học có thể lý giải. Từ đó, ông nói: “Cùng với sự thay đổi ngoài xã hội thì việc dạy ở trường phổ thông cũng cần thay đổi để học sinh có thể vận dụng được kiến thức. Trong dạy học phải tạo cơ hội để học sinh thông qua kiến thức có thể hiểu hơn về cuộc sống".

Nguồn tin: Báo Dân trí