Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

https://qui.edu.vn


Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh tham dự Diễn đàn cấp cao về Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0

Trong các ngày 12 và 13/7/2018, tại Khách sạn quốc tế JW. Marriott (số 8 phố Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), UBND TP Hà Nội phối hợp Ban Kinh tế trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”.
         
f231abdb8ffb6ea537ea

         Diễn đàn có 5 phiên hội thảo chuyên đề: Chuyên đề 1: Những xu hướng lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - Nhận diện tác động và khuyến khích đối với Việt Nam. Chuyên đề 2: Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyên đề 3: Phát triển nền sản xuất thông minh - Tầm nhìn và giải pháp công nghệ. Chuyên đề 4: Bước tiến mới trong ngành tài chính - Ngân hàng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyên đề 5: Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững đã được tổ chức chiều 12/7.

         Đoàn đại biểu trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh do TS. Hoàng Hùng Thắng dẫn đầu đã tham dự phiên hội thảo chuyên đề 3: Phát triển nền sản xuất thông minh - Tầm nhìn và giải pháp công nghệ. Tại buổi Hội thảo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã trình bày báo cáo mức độ sẵn sàng tiếp cận và tham gia CMCN 4.0 của các doanh nghiệp thuộc Bộ. Mức độ nhận thức về CMCN 4.0 cao nhưng 62% doanh nghiệp được khảo sát chưa định hình được các công việc cần làm. CMCN 4.0 vẫn đang diễn ra và không ai có thể đứng ngoài cuộc.

         Cũng trong buổi hội thảo, CEO Võ Quang Huệ - Phó tổng giám đốc tập đoàn Vingroup trình bày về việc tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất Vinfast: Tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực (con người, máy móc, cơ sở vật chất, và nguyên liệu) kết hợp với dữ liệu kỹ thuật số. Sử dụng các thiết kế và nền tảng công nghệ của các đối tác hàng đầu như BMW, ABB, GROß, DÜRR, SCHULER, EISENMANN trong 5 khâu công nghệ được thực hiện trong các nhà máy riêng rẽ như: dập, thân vỏ, sơn, động cơ và lắp ráp. Xây dựng trung tâm đào tạo nhân công theo hệ thống tiêu chuẩn (kép) của Đức, ông cũng cho rằng ngành Cơ điện tử là ngành học hợp với thời đại công nghệ 4.0. Dự kiến vào năm 2019 ôtô mang thương hiệu Vinfast sẽ chính thức xuất xưởng. Trong buổi hội thảo có các diễn giả đến từ Đức, cha đẻ của công nghiệp 4.0, Bosch Việt Nam với chủ đề khai thác tiềm năng của nền công nghiệp 4.0 và Siemens Việt Nam với Nhà máy số- con đường hướng tới nền công nghiệp 4.0 , ABB Singapor ứng dụng công nghệ số và công nghệ 4.0 trong tối ưu hóa lợi nhuận.

         Kết luận hội thảo, ông Cao Đức Phát - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, CMCN 4.0 đã và đang đến rất gần với Việt Nam và để giành được thế chủ động thì yếu tố chính sách và nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng nhau nỗ lực trong cuộc cách mạng này nhằm giành được những lợi thế lớn nhất cho đất nước