Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

https://qui.edu.vn


Một số vấn đề về triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ tại trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

Một số vấn đề về triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ tại trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh
Bài báo trình bày những nét cơ bản về phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, quá trình chuyển đổi phương thức đào tạo của Nhà trường. Qua bài báo, sẽ cho thấy những nét tích cực của phương thức đào tạo mới từ đó phát huy ưu điểm, tìm ra các giải pháp thích hợp để nâng cao chất lượng đào tạo của tất cả các thành viên trong Nhà trường.

1. Mở đầu
            Học chế tín chỉ (HCTC) ra đời ở Hoa Kỳ từ cuối thế kỷ 19, sau đó đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới và xâm nhập vào Việt Nam từ trước 1975. Vì những ưu điểm của nó, phù hợp với quan điểm đổi mới giáo dục nên Nhà nước đã chủ trương triển khai áp dụng HCTC trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam. Luật Giáo dục sửa đổi (2005) đã viết: “Về chương trình giáo dục: đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học có thể được tiến hành theo hình thức tích luỹ tín chỉ hay theo niên chế”. Nghị quyết của Chính phủ số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 cũng có nêu: “Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển sang chế độ đàotạo theo hệ thống tín chỉ, tạo điều kiện thuận lợi để người học tích luỹ kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và ở nước ngoài”.
2.Đặc điểm cơ bản khi chuyển đổi phương thức đào tạo theo  HCTC
            Nếu như, trong đào tạo theo học phần - niên chế, sinh viên phải học theo tất cả những gì Nhà trường sắp đặt, không phân biệt sinh viên có điều kiện, năng lực tốt, hay sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, năng lực yếu. Ngược lại, đào tạo theo Hệ thống tín chỉ cho phép sinh viên có thể chủ động học theo điều kiện và năng lực của mình. Những sinh viên giỏi có thể học theo đúng hoặc học vượt kế hoạch học tập toàn khóa, kế hoạch học tập từng học kỳ theo gợi ý của Nhà trường, để tốt nghiệp theo đúng thời gian chuẩn của chương trình hoặc sớm hơn. Những sinh viên bình thường và yếu có thể kéo dài thời gian học tập trong trường và tốt nghiệp muộn hơn. Vì thế, sinh viên phải tự lập kế hoạch học tập toàn khóa và từng học kỳ cho phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể của bản thân dưới sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm hay cố vấn học tập. Toàn bộ hệ thống quản lý đào tạo, quản lý sinh viên vì thế phải vận hành theo yêu cầu riêng của từng sinh viên làm cho quá trình quản lý trở nên hết sức phức tạp so với đào tạo theo học phần - niên chế. Chương trình đào tạo của tất cả các ngành đều phải cấu trúc lại theo hướng mô đun hóa thành những học phần; lịch trình giảng dạy phải thực hiện hết sức chính xác, không được đổi giờ hoặc bỏ giờ; mỗi giảng viên, mỗi sinh viên đều có thời khóa biểu riêng, không theo một quy luật nào cả v.v. Vì thế, nếu trước kia sinh viên phải “chạy” theo kế hoạch của nhà trường thì bây giờ nhà trường phải “chạy” theo kế hoạch của từng sinh viên. Khi triển khai đào tạo theo Hệ thống tín chỉ, trong học kỳ thứ nhất và thứ hai, các nhà trường đều gặp phải những khó khăn nhất định, đó cũng là điều tất yếu, vì đào tạo theo Hệ thống tín chỉ yêu cầu một hệ thống quản lý khoa học, chặt chẽ, linh hoạt và mềm dẻo. Đào tạo theo tín chỉ còn đòi hòi cả người dạy và người học phải thay đổi cách tư duy, đổi mới phương pháp dạy và học từ bị động sang chủ động một cách nghiêm túc. Đào tạo theo hệ thống tín chỉ, chỉ có thể thành công, đi vào thế ổn định và phát triển cần có sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị Nhà trường; có sự chỉ đạo rất kiên quyết và khoa học của Ban giám hiệu, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của đồng chí Hiệu trưởng, sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong trường, đội ngũ giảng viên nhận thức được trách nhiệm và tham gia vào quá trình đào tạo một cách tự giác, bằng cả tấm lòng của người thầy.
3. Điều kiện để thực hiện HCTC
            3.1. Có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu đào tạo theo tín chỉ: Đội ngũ này phải hiểu đúng và đầy đủ về HCTC. Phải có tài liệu hướng dẫn chi tiết về tổ chức và quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ; tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm trong đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên viên với sự tham gia, hướng dẫn của các chuyên gia. Cần thành lập một nhóm chuyên gia tìm hiểu về vấn đề này: thu thập và nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước về HCTC; tìm hiểu tình hình tổ chức đào tạo theo tín chỉ của các trường đại học, cao đẳng  trong nước; tổ chức hội thảo trong nhóm về tín chỉ và lộ trình chuẩn bị đào tạo theo tín chỉ; biên soạn tài liệu hướng dẫn tổ chức và quản lý đào tạo theo HCTC. Sau khi nhóm chuyên gia hoàn thành các công việc trên sẽ tổ chức các cuộc hội thảo trong đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên để mọi người hiểu về HCTC và đóng góp cho dự thảo lộ trình chuyển đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ. Cụ thể:
            - Các giảng viên phải hiểu biết về các phương pháp dạy - học, kiểm tra - đánh giá tiên tiến như yêu cầu của hệ thống tín chỉ và có kỹ năng sử dụng các thiết bị giảng dạy hiện đại. Để có điều kiện này, nhà trường phải tổ chức các đợt tập huấn cho đội ngũ giảng viên về: biên soạn các bài giảng, hồ sơ môn học, hồ sơ giảng dạy theo cách tiếp cận mới của triết lý HCTC, các phương pháp dạy - học, kiểm tra - đánh giá tiên tiến.
            - Các chuyên viên của các phòng, trung tâm được trang bị kiến thức về phương thức quản lý theo HCTC, về kỹ thuật xây dựng thời khoá biểu môn học (lớp học phần) theo đăng ký của người học và hệ thống phần mềm công nghệ thông tin đáp ứng công việc ấy.
            - Có đủ đội ngũ cố vấn am hiểu về chương trình đào tạo để hướng dẫn người học chọn môn học và xây dựng kế hoạch học tập.
            3.2. Có một ban chỉ đạo chuyển đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ ở cấp trường: Ban chỉ đạo do Hiệu trưởng hoặc phó Hiệu trưởng phụ trách, các uỷ viên là các trưởng Phòng, Khoa (Bộ môn), chủ tịch Công đoàn cơ sở, bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, và một số thành viên khác do Hiệu trưởng quyết định. Ban chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ và trình kế hoạch để Hiệu trưởng xem xét, phê duyệt. Trong kế hoạch cần một lộ trình thực hiện (nội dung công việc, đơn vị thực hiện, thời gian thực hiện và dự trù kinh phí cho từng công việc). Mỗi mảng công việc phải thành lập tiểu ban. Trưởng tiểu ban do phó hiệu trưởng hoặc trưởng phòng, giám đốc trung tâm, trưởng khoa (bộ môn) phụ trách. Căn cứ vào kế hoạch nhà trường, trưởng các tiểu ban xây dựng kế hoạch thực hiện trình hiệu trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện
            3.3. Xây dựng chương trình đào tạo theo HCTC: Xây dựng  chương trình đào tạo cũng là dịp để chúng ta nghiên cứu và vận dụng các lý luận về thiết kế chương trình hiện đại theo chuẩn của các trường đại học, cao đẳng tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu hiện tại và tương lai của đất nước đối với ngành đào tạo và yêu cầu hội nhập quốc tế. Khi xây dựng khung chương trình đào tạo theo HCTC nên rà soát lại để bỏ bớt những môn không cần thiết, bổ sung cập nhật các môn học mới hơn, kế thừa những yếu tố tích cực, phù hợp của khung chương trình đào tạo hiện có. Cấu trúc các chương trình có tính đồng nhất và liên thông theo khối, nhóm, ngành và chuyên ngành; xây dựng ngành chính ngành phụ và song ngành mềm dẻo;
            3.4.  Xây dựng chương trình chi tiết từng môn học trong chương trình đào tạo theo tín chỉ của mỗi ngành đào tạo và được công bố rộng rãi.
            3.5. Xây dựng đủ  giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo cho mỗi môn học; xây dựng và phát triển hệ thống học liệu điện tử thông qua thư viện điện tử. Xây dựng, nâng cấp hệ thống Công nghệ thông tin trong trường phục vụ tốt cho mọi thành viên trong hệ thống đào tạo và quản lý;
            3.6. Xây dựng các văn bản quy định liên quan tới việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ:
            3.7. Có đủ điều kiện vật chất tối thiểu đạt yêu cầu đào tạo theo tín chỉ:
            - Đủ thiết bị giảng dạy hiện đại giúp giảng viên đỡ mất thời gian viết bảng hoặc trình bày, giảng giải trên lớp;
            - Đủ phòng học (lớn, nhỏ, hội trường, phòng thí nghiệm, phòng đọc ở thư viện để bố trí lớp học theo yêu cầu đăng ký của sinh viên và tạo điều kiện cho sinh viên tự học ngoài giờ lên lớp.
            - Có hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý đào tạo và sinh viên theo hệ thống tín chỉ.
4. Kết quả triển khai của Nhà trường
            Ngay từ năm học 2010-2011, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi phương thức đào từ niên chế sang học chế tín chỉ theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là:
            - Thành lập Ban chỉ đạo của Nhà trường do thầy Hiệu trưởng TS. Nguyễn Đức Tính làm trưởng ban;
            - Thành lập các Tiểu ban để lập kế hoạch, chỉ đạo thực hiện các nội dung theo nhóm công việc, gồm: ban xây dựng chuyển đổi chương trình đào tạo, ban xây dựng quy chế đào tạo và các văn bản cần thiết cho học chế tín chỉ, ban xây dựng cơ sở vật chất, ban chế độ, và ban tài chính;
            - Tổ chức họp Ban chỉ đạo để sơ kết  giai đoạn và điều hành tổng số 08 phiên;
            - Xây dựng, cấu trúc lại 09 chương trình giáo dục ngành và chuyên ngành trình độ đại học, 17 chương trình giáo dục ngành và chuyên ngành trình độ cao đẳng; tổ chức biên soạn và ban hành 248 chương trình chi tiết học phần trình độ đại học, 444 chương trình chi tiết trình độ cao đẳng;
            - Ban hành Quy chế đào tạo theo HCTC của trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh kèm theo Quyết định số 331/QĐ-ĐT ngày 8 tháng 7 năm 2011 và Quy chế về Cố vấn học tập theo Quyết định số 332/QĐ-ĐT ngày 8 tháng 7 năm 2011 của Hiệu trưởng;
            - Đầu tư, tiếp nhận, tổ chức tập huấn, vận hành và khai thác phần mềm quản lý đào tạo theo HCTC do Công ty CMCsoft chuyển giao cho Nhà trường; tổ chức cho 120 lượt giảng viên, cán bộ quản lý, các bộ phận nghiệp vụ,… đi  tập huấn thăm quan các trường tại Hà Nội có kinh nghiệm tổ chức đào tạo theo HCTC;
            - Đầu tư cải tạo 07 phòng học lớn, 01 hội trường, 19 phòng học bình thường; lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy và học tập như: phông-máy chiếu, máy vi tính, hệ thống âm thanh, ánh sáng, thông gió…
            - Bổ sung cơ sở vật chất về trang thiết bị thực hành, hệ thống công nghệ thông tin, phòng học với tổng kinh phí đầu tư ban đầu gần 5 tỷ đồng;
            Để triển khai đào tạo theo HCTC đảm bảo chất lượng, Nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức đào tạo theo HCTC, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, học liệu và triển khai các giải pháp có tính đồng bộ nhằm tổ chức tốt theo tiến trình đào tạo các chương trình giáo dục.
5. Những vấn đề hạn chế và giải pháp khắc phục
            Trong năm 2012 nhà trường đã mở các hội nghị quan trọng, đó là: Hội nghị “đánh giá về triển khai, tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy theo HCTC” tổ chức ngày 27/8/2012; Hội nghị “Công tác quản lý giáo dục học sinh sinh viên” tổ chức ngày 28/11/2012. Qua hội nghị đã xác định được những thuận lợi khó khăn, các hạn chế và tồn tại trong tổ chức các hoạt động đào tạo, quản lý giáo dục HSSV theo học chế tín chỉ, cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Có thể nêu một số điểm cơ bản như sau.
            - Việc thay đổi phương pháp dạy và học (học tích cực) của giảng viên và sinh viên chưa tích cực, có phần chậm đổi mới; một số bộ phận có nhận thức chưa đầy đủ về phương pháp dạy học tích cực, chỉ hiểu đơn giản là sử dụng trang thiết bị trình chiếu và các slide nhằm rút ngắn thời gian trên lớp. Do vậy tùy theo đặc điểm các học phần, các bộ môn, đơn vị đào tạo cần tăng cường sinh hoạt xây dựng học thuật thông qua hội giảng, thi đua soạn bài giảng điện tử có chất lượng để sử dụng chung cho học phần…     
            - Về phát triển và khai thác sử dụng hệ thống tài liệu học tập: hệ thống bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo một số học phần chưa đầy đủ; học liệu điện tử chưa được quan tâm xây dựng; ý thức tích cực, chủ động trong thu thập tài liệu, tự học của sinh viên thấp nên việc khai thác học liệu chưa hiệu quả. Do vậy cần tạo nên phong trào xây dựng và phát triển hệ thống học liệu từ thế mạnh của từng thành viên trong bộ môn mà hạt nhân là giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy học phần. Phát động phong trào tự học, trao đổi kinh nghiệm học tập, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên…
            - Công tác quản lý và giáo dục sinh viên theo HCTC còn nhiều lúng túng trong hệ thống quản lý, đặc biệt đối với đội ngũ Cố vấn học tập. Nguyên nhân cơ bản là do sự nhận thức về sự khác nhau giữa HCTC và niên chế chưa đầy đủ. Chính vì đó, phương thức quản lý giáo dục chưa có sự chuyển đổi có tính đồng bộ với phương thức đào tạo theo HCTC. Thời gian tới cần thay đổi phương thức quản lý sinh viên phù hợp hơn, đặc biệt cần liên kết các khâu trong hệ thống quản lý (quản lý đào tạo, quản lý HSSV…); cần xây dựng và khai thác hệ thống ICT (trong đó có cả phần mềm quản lý theo HCTC) có hiệu quả.
            - Số lượng giảng viên chưa đủ về số lượng để đáp ứng được yêu cầu, đồng thời chưa có nhiều  giảng viên dạy được nhiều học phần, một học phần được nhiều giảng viên dạy (cá biệt có học phần chỉ có một giảng viên cơ hữu phụ trách). Điều đó gây khó khăn trong lập kế hoạch học vụ, bị động khi triển khai và khó khăn khi điều chỉnh kế hoạch. Trong thời gian tới các bộ môn cần có kế hoạch rà soát, điều chỉnh, bổ sung để mềm dẻo trong phân công giảng dạy học phần.
            - Trong HCTC, việc thu học phí sẽ thuận lợi hơn so với niên chế; do học phí phải nộp tỷ lệ với khối lượng các học phần đăng ký học, quản lý việc thu học phí được thực hiện liên kết các môđun của phần mềm quản lý đào tạo (kiểm duyệt điều kiện dự thi theo đều kiện nộp học phí, công khai các khoản phải nộp tại tài khoản của Sinh viên), xét học vụ theo học kỳ…Tuy nhiên, việc thu học phí còn chưa đáp ứng được yêu cầu và quy định của nhà trường. Cần phải phát huy tính tích cực của phần mêm quản lý, cũng như công khai hóa các khoản công nợ của sinh viên, thông tin kịp thời công nợ tới gia đình sinh viên…
6. Kết luận
             1) HCTC là một học chế mềm dẻo, tăng cường tính chủ động, tự học, tự nghiên cứu của sinh viên; nhà trường, giảng viên tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sinh viên tích luỹ kiến thức, kỹ năng; đồng thời HCTC cũng quản lý chặt chẽ quá trình học tập của từng sinh viên để đảm bảo chất lượng đào tạo. Các điều kiện cần thiết để chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo HCTC là sự thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ quản lý viên chức và giảng viên toàn trường, nhận thức về HCTC, về những công việc cần chuẩn bị, lộ trình thực hiện các công việc ấy và sau đó triển khai công tác chuẩn bị chu đáo, toàn diện các lĩnh vực.
2) Mặc dù gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng với sự quyết tâm cao của tất cả các thành viên trong nhà trường, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban giám hiệu. Việc chuyển đổi đào tạo từ học chế niên chế sang HCTC đã thành công bước đầu; mặc dầu còn nhiều vấn đề cần giải quyết tiếp để hoàn thiện và củng cố, nhưng chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, nhiều cán bộ-giảng viên trưởng thành trong quá trình chuyển đổi, nhất là đội ngũ trẻ có điều kiện tiếp cận một học chế tiên tiến ngay từ đầu sự nghiệp sẽ nhanh chóng khẳng định được mình trong tương lai;
3) Công việc tiếp theo là tổ chức triển khai thực hiện các chương trình giáo dục theo HCTC. Đến thời điểm hiện tại (tháng 9-2012) các chương trình đào tạo đã tổ chức vận hành được 1 năm cho trình độ đại học khóa 4 và cao đẳng khóa 21. Đây là công việc rất khó khăn, cần sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, sự cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên trong tất cả các đơn vị đào tạo theo tiến trình đào tạo.
Toàn bộ công việc chuyển đổi từ học chế niên chế sang HCTC và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo nếu tiến hành khẩn trương, tích cực cũng phải mất ít nhất 3-4 năm. Khi việc chuẩn bị hoàn tất cho một chương trình đào tạo, tức là các điều kiện đã sẵn sàng, việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ sẽ thực sự mang lại kết quả như mong muốn. Do đó, để thành công trong việc đào tạo theo HCTC, cần phải có nhận thức đúng đắn và tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong nhà trường. Đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò nòng cốt của lãnh đạo Nhà trường trong việc đầu tư các nguồn lực, cũng như làm lan tỏa, thu hút sự tham gia của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên trong nhà trường hướng tới chất lượng, phát huy tính tích cực của HCTC.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
[1]. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ, ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020;
[2]. Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ;
[3]. GS. TSKH Lâm quang Thiệp và nhiều người khác, Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ các học viện, trường đại học, cao đẳng, Học viện Quản lý giáo dục, 2008;
[4]. Các báo cáo tại hội nghị: đánh giá về triển khai, tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy theo HCTC”; “Công tác quản lý giáo dục học sinh sinh viên”.

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn Chung,Lê Thị Tuyết Thanh