Đôi điều suy nghĩ về học tập cách nói, cách viết của Hồ Chí Minh

Thứ ba - 16/07/2013 08:00
Đặc trưng nổi bật trong phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh là tính phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn từ, cách diễn đạt trong bài nói, bài viết của Người với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Nhờ đó, bài nói, bài viết của Người luôn đạt được sự thấm thía và có sức thuyết phục mạnh mẽ.
Đôi điều suy nghĩ về học tập cách nói, cách viết của Hồ Chí Minh

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi ngôn ngữ là công cụ đắc lực không thể thiếu để tuyên truyền, giác ngộ ý thức cách mạng, củng cố và nâng cao nhận thức xã hội trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân mà ai cũng phải "cố gắng học tập", "ra công rèn luyện" để nắm được đặc tính của nó và sử dụng nó một cách có hiệu quả nhất trong thực tiễn hoạt động cách mạng. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói và viết không phải đơn thuần chỉ là một hành động thông tin mà còn chủ yếu là một quá trình tác động lên người nghe, người đọc, nhằm thuyết phục họ, cảm hóa họ, làm họ thay đổi nhận thức, thay đổi quan niệm, tình cảm thẩm mỹ và hành vi, hướng họ vào các hoạt động thực tiễn phù hợp xu hướng tiến bộ của xã hội, của thời đại. Quan hệ giữa thông tin và tác động thì thông tin là phương tiện, tác động là mục đích.
Như vậy, mục đích nói và viết trong cách quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở chỗ làm cho người nghe, người đọc hiểu về điều được nói, được viết, mà cái cốt yếu là còn tác động lên người nghe, người đọc, làm họ thay đổi nhận thức, ý nghĩ, tình cảm, trên cơ sở đó, làm thay đổi hành vi của họ, hướng họ vào hành động theo nhận thức mới, đó chính là sự phong phú, đa dạng trong cách nói và cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mỗi bài nói, bài viết của Bác Hồ đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Bao giờ Người cũng đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Chính tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục cao của những bài nói, bài viết của người đối với người nghe, người đọc. Chân thực cũng là yêu cầu đầu tiên của Bác Hồ đặt ra đối với cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết. Bác thường nhắc nhở: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”…
Cách nói, cách viết Hồ Chí Minh, “ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Ngắn gọn trong cách nói cách viết Hồ Chí Minh là cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, chữ thừa. Đặc tính ngắn gọn, hàm súc trong các bài nói, bài viết của Bác Hồ là sự kế thừa và phát triển phong cách phương Đông. Đó cũng là kết quả công phu rèn luyện của Bác từ những ngày đầu tham gia hoạt động chính trị, tham gia làm báo cách mạng. Người nhiều lần phê bình nhắc nhở cán bộ về mặt ba hoa, viết vừa dài vừa rỗng. Người thường khuyên cán bộ nói viết đều phải ngắn gọn, thiết thực, đi thẳng vào vấn đề. Nói dài, viết dài và sáo rỗng đều hoàn toàn xa lạ với phong cách Hồ Chí Minh.
Toàn bộ các bài nói, bài viết của Bác Hồ đều rất trong sáng về ý tưởng và văn phong, giản dị trong cách trình bầy và dễ hiểu với người nghe, người đọc. Tư tưởng Hồ Chí Minh đến với mọi người bằng những ngôn từ quen thuộc - dù đó là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hàng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại.
Để viết và nói được trong sáng giản dị, dễ hiểu, Bác Hồ còn chỉ ra rằng phải chống lại căn bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài nào đã quen thuộc, đã “hoá thành chữ ta” mà không dùng thì không đúng. Bác Hồ đã nêu ví dụ: ta nói “độc lập” chứ không nói “đứng một”, nói “du kích” chứ không nói “đánh chơi” (đánh ăn trộm). Trong tuyên truyền, Bác cho rằng có những khẩu hiệu viết chữ “u” không ra chữ “u”, chữ “n” không ra chữ “n”, tuyên truyền như thế là phản tác dụng. Còn đối với bệnh lạm dụng chữ nước ngoài thì dù dùng đúng cũng đã có hại, nếu dùng sai theo kiểu dốt hay nói chữ thì cái hại lại càng to, ví dụ “đánh vào sâu” thì không nói mà lại nói “tung thâm”, hoặc “ba tháng” thì không nói mà lại nói “tam cá nguyệt”….
Điều nói trên cho phép cắt nghĩa tại sao, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến việc rèn luyện cách nói, cách viết, như rèn giũa một thứ công cụ chuyên dụng và luôn luôn khuyên cán bộ, đảng viên, nhà báo, nhà văn, người tuyên truyền cũng làm như thế.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua cách nói, cách viết của Người trong nhà trường hãy bắt đầu từ những điều chúng ta tưởng như nhỏ nhất đó là cách nói, cách viết, nó đơn giản, mộc mạc nhưng là cơ sở để chúng ta thực hiện những ước nguyện lớn hơn trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc