Kỷ niệm 193 năm ngày sinh Các Mác (5/5/1818-5/5/2011):

Chủ nhật - 08/05/2011 14:50

Mài sắc vũ khí tư tưởng lý luận

Nhân loại mãi ghi nhớ tên tuổi và công lao của thiên tài C.Mác (1818-1883)-Người đã cùng với Ph.Ăng-ghen xây dựng nên một hệ thống lý luận cách mạng và khoa học soi sáng sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân và lao động quốc tế trên con đường xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa tư bản, cùng mọi ách áp bức, bóc lột nói chung. Học thuyết Mác ra đời đã nhanh chóng được truyền bá rộng khắp châu Âu và trên toàn thế giới, trở thành nền tảng tư tưởng của các Đảng Cộng sản và kim chỉ nam cho hành động cách mạng, vũ khí tinh thần sắc bén, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng vô sản thế giới-trong đó có cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua.

Nhận thức sâu sắc vai trò của lý luận cách mạng đối với phong trào cách mạng, Mác luôn hướng trọng tâm hoạt động của mình vào nghiên cứu khoa học, kịp thời giải đáp những câu hỏi lớn mà nhân loại đang đặt ra nhưng chưa có lời giải đáp. Là một thiên tài sáng tạo, Mác cống hiến cho nhân loại hai phát kiến khoa học mang tầm thời đại là Chủ nghĩa duy vật lịch sử và Học thuyết giá trị thặng dư. Từ giả thuyết khoa học, học thuyết Mác đã được chứng minh về mặt khoa học, trở thành hệ thống lý luận khoa học sâu sắc, toàn diện, cân đối với ba bộ phận cấu thành: Triết học mác-xít; Kinh tế học chính trị mác-xít và Chủ nghĩa cộng sản khoa học. Trong đó, luôn có sự thống nhất giữa tính cách mạng và tính khoa học; thế giới quan và phương pháp luận; lý luận và thực tiễn; nhận thức thế giới và cải tạo thế giới. Sáng tạo là đặc tính bản chất, quy định học thuyết Mác là một hệ thống mở luôn được bổ sung, phát triển để theo kịp cuộc sống.

Mác đã từng căn dặn: “Học thuyết của chúng tôi không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động”. Điều đó đòi hỏi những người cộng sản phải ra sức học tập, nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác đồng thời luôn theo sát nắm vững thời cuộc, phát hiện những mâu thuẫn mới nảy sinh cần giải quyết. Sự hình thành, phát triển Chủ nghĩa Mác không tách rời cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận chống tư tưởng tư sản, phản động, cơ hội, xét lại dưới mọi màu sắc, cả manh tâm của những kẻ đầu hàng, xa rời lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động, dù là nhỏ nhất. Là người kế tục xuất sắc tư tưởng Mác - Ăng-ghen, V.I.Lê-nin đã giải đáp những câu hỏi lớn thời đại mới đặt ra, bảo vệ và phát triển toàn diện Chủ nghĩa Mác.

Lý tưởng cao cả của Chủ nghĩa Mác được hiện thực hóa sau Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) thắng lợi, mở ra một thời đại mới-thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên cộng sản chủ nghĩa. Lê-nin đã nêu kiểu mẫu về sự kết hợp giữa trung thành và sáng tạo, bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác. Người đã đấu tranh không khoan nhượng với những trào lưu, khuynh hướng tư tưởng tư sản, cơ hội, xét lại đủ mọi màu sắc, nhân danh Mác để xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác. Từ thực tiễn đấu tranh tư tưởng lý luận và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Lê-nin đã phát triển toàn diện Chủ nghĩa Mác. Những thành tựu to lớn của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thế kỷ XX ghi nhận thắng lợi của Chủ nghĩa Mác.

Sau sự kiện chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ XX, cách mạng thế giới lâm vào thời kỳ thoái trào. Các học giả tư sản, cơ hội, xét lại chống chủ nghĩa xã hội được dịp công kích, bôi nhọ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tham vọng làm sụp đổ nền tảng tư tưởng của các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Họ cố tình xuyên tạc, đồng nhất sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết với thất bại của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và coi đó là “cái chết của chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ XX”. Hoặc có vẻ "khách quan" hơn, họ cho rằng Chủ nghĩa Mác ra đời từ thế kỷ XIX tuy có nhiều đóng góp cho lịch sử nhưng trước những bước phát triển mới của thời đại hiện nay, không còn phù hợp nữa. Theo đó, cần sớm "giải thể ý thức hệ cộng sản"; "từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin” và thay vào đó là các học thuyết “hội tụ”, “nền văn minh”, “xã hội hậu công nghiệp”… Về thực chất, đó chỉ là các lý thuyết chống cộng của chủ nghĩa tư sản hiện đại hướng các nước xã hội chủ nghĩa còn lại (trong đó có Việt Nam) sớm từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa để đi vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

Hiện nay, mặc dù Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội đang đứng trước những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra chưa được giải đáp, nhưng những khó khăn đó chỉ là nhất thời. Các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế nhất định sẽ đoàn kết lại, tích cực đổi mới, khắc phục khó khăn, xác định đúng đắn phương hướng cho những bước phát triển tới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta đã chỉ rõ bản chất, tiềm năng và giới hạn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Chính sự vận động của những mâu thuẫn trong lòng chủ nghĩa tư bản và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bởi đó là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tri thức mới của thời đại, nâng cao năng lực trí tuệ phải xuất phát từ thực tiễn của đất nước; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận, kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt, sáng tạo về sách lược, phương pháp; chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc đổi mới vô nguyên tắc, chủ quan, nóng vội.

Để mài sắc vũ khí tư tưởng lý luận cần phải nắm vững phương pháp luận mác-xít, nhận thức đúng xu hướng phát triển của thời đại, những thành tựu mới nhất của khoa học và thực tiễn xã hội mới nảy sinh để tổng kết, rút ra kết luận mới, bổ sung, hoàn thiện lý luận mác-xít. Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; khắc phục một số mặt lạc hậu, yếu kém trong công tác nghiên cứu lý luận. Tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; chủ nghĩa cơ hội giả danh mác-xít để chống phá; những phần tử xét lại đầu hàng, thỏa hiệp vô nguyên tắc; những phần tử thoái hóa biến chất chống đối từ bên trong. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Đại tá, PGS, TS Phạm Văn Nhuận

 

 Từ khóa: cách mạng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn